“Sự sáng tạo là phần cốt yếu trong nghiên cứu khoa học. Một công trình khoa học mới phải có sáng tạo trong đó. Trong dạy học, sáng tạo cũng rất thiết yếu”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tại hội nghị thường niên “Bản hòa ca trí tuệ”, được tổ chức ngày 8/10.
Cũng tại hội nghị, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, và nhà ngoại giao, nhà giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh đồng ý rằng sáng tạo là một phần quan trọng trong giáo dục thế kỷ 21.
GS Ngô Bảo Châu đánh giá sáng tạo là phần cốt yếu trong nghiên cứu khoa học và dạy học. Ảnh: BTC. |
Điều thiết yếu trong dạy học
GS Ngô Bảo Châu quan niệm phần "sáng" trong "sáng tạo" là chúng ta nhìn vạn vật một cách rõ hơn, thấu suốt hơn để rồi tạo ra cái mới.
Ông đánh giá sáng tạo là phần cốt yếu trong công việc nghiên cứu. Con người cần sáng tạo cả trong khoa học, nghệ thuật hay hoạt động truyền đạt văn hóa, kiến thức, dạy học nói chung.
“Người thầy thực thụ không bao giờ truyền đạt lại kiến thức đã chết, không phải chỉ đọc thuộc lòng như trong sách, giảng đi giảng lại. Bài giảng luôn có sự sáng tạo. Kiến thức truyền đạt cho học sinh có thể không do giáo viên tìm ra nhưng họ hiểu rất sâu, kiến thức dạy hôm nay liên quan đến hôm qua hay thực tế như thế nào”, GS Châu nói.
Tương tự, học trò cũng vậy. Nếu không có sự tìm tòi, sáng tạo, ông nghĩ việc học vẫn chưa đến nơi đến chốn. Người học cần hiểu kiến thức mà thầy giáo truyền đạt theo cách của mình.
GS Ngô Bảo Châu kể lại câu chuyện nhà toán học người Anh Andrew Wiles, người đầu tiên giải được bài toán Fermat.
Andrew Wiles từng làm việc với bài toán Fermat trong vòng 6-7 năm với nhiều thất bại. Vào giây phút tìm ra lời giải, ông nói mô tả đó như khi đi trong phòng tối 6-7 năm, bất chợt, ánh sáng lóe lên, mọi thứ được xếp đặt hợp lý, logic. Đó là giây phút sáng tạo. Sự lao động miệt mài, học tập, khổ luyện đã mang lại giây phút thăng hoa đó.
Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh định nghĩa sáng tạo là cách tiếp cận, tư duy chủ động, phải luôn luôn chất vấn sự việc, tư duy phản biện. Bà cho rằng phải coi sáng tạo là định hướng xuyên suốt, xuyên thấu của giáo dục thế kỷ 21.
“Thế giới luôn biến động nhanh, phức hợp, giáo dục cũng phải đổi mới, thích nghi liên tục, lồng ghép sáng tạo mới đáp ứng được đòi hỏi của thế kỷ mới”, bà nhận định.
GS Trần Thanh Vân cũng đề cao tính sáng tạo trong giáo dục. Theo ông, chúng ta cần tạo điều kiện cụ thể để giúp con em phát triển về tư duy, tính quan sát, sự tò mò, phân tích, đặt câu hỏi trước những hiện tượng gặp trong đời sống hàng ngày.
GS Thanh Vân thông tin đã có nhiều phương án giáo dục đang được triển khai như Hướng tiếp cận Reggio Emilia tại Little Em’s đặc biệt dành cho các em lớp mẫu giáo - mở lòng và mở trí.
Trong lớp học, các em đặt câu hỏi và thầy, cô tạo điều kiện để chính các em làm thí nghiệm, quan sát, ghi nhận, rồi trình bày ý tưởng cho cả lớp.
Các em đặt câu hỏi, đối thoại, tiếp tục làm thí nghiệm với sự hỗ trợ của giáo viên cho đến khi hiểu bài. Lúc này, khi thầy, cô đưa những khái niệm về khoa học, các tế bào thần kinh của trẻ đã ghi nhận ngay vào não rồi, học lúc nào không biết.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển trí tuệ cảm xúc cho người học. Ảnh: BTC. |
Giáo dục chú trọng phát triển trí tuệ cảm xúc
Sáng tạo trong giáo dục không chỉ hướng tới phát triển trí thông minh (IQ) hay khả năng tư duy logic, tư duy phản biện. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng giáo dục toàn diện, sáng tạo phải khiến người học suy nghĩ bằng toàn bộ khối óc, cảm nhận cảm xúc bằng trái tim, tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng.
Bà lưu ý mối tác động qua lại giữa IQ (trí thông minh tổng quát) và EQ (trí thông minh cảm xúc), sáng tạo đóng vai trò xúc tác thúc đẩy các quá trình tác động qua lại hữu cơ đó giữa IQ và EQ.
Theo bà, giáo dục toàn diện hướng về EQ, hướng đến trái tim, tâm hồn, trí tưởng tượng, khuyến khích khát vọng hướng về cái đẹp. Với thực tế hiện nay, bà nhấn mạnh nguy cơ khiến người học hướng về bản thân quá nhiều.
Do đó, nền giáo dục toàn diện, hướng về EQ phải tính vị trí phù hợp cho môn học văn hóa và nghệ thuật trong trường, đồng thời cho người học tìm hiểu cộng đồng, hoạt động trong và với cộng đồng bên cạnh việc khuyến khích phát triển cá nhân, khả năng sáng tạo.
Bà nói thêm sáng tạo không phải hành trình đơn độc, cô đơn và giáo dục sáng tạo là thiết yếu trong thời đại hiện nay cũng như sắp tới, cho số đông chứ không phải chỉ số ít có điều kiện kinh tế - xã hội.
Cùng quan điểm, GS Trần Thanh Vân mong muốn thế hệ trẻ sẽ được hưởng môi trường giáo dục phù hợp để các em đủ điều kiện được tiếp xúc với thế giới rộng lớn, đủ năng lực để tư duy độc lập, có dịp bộc lộ tiềm năng.
Trong nền giáo dục đó, người học được nói lên nguyện vọng của mình và không bó hẹp bởi những thiên kiến.
“Một khi trí tuệ được dồi mài và ấp ủ bởi trí tâm, tình yêu thương và lòng trắc ẩn, ngưng tụ trong nội tâm sẽ là động cơ mãnh liệt để các em cùng chung sức lèo lái xã hội đến những bến bờ tích cực, nhân văn, tươi sáng”, GS Vân chia sẻ.
Để trẻ sống cuộc đời của trẻ
Cũng tại hội nghị, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về phương pháp giáo dục con cái của chính gia đình ông. Ông cho biết không quá quan trọng kết quả học tập, điểm số của con phải xuất sắc như thế nào.
Bản thân ông rất tâm đắc câu nói của nhà giáo dục người Mỹ John Dewey - “việc học không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, việc học chính là cuộc sống”.
Vì vậy, ông cho rằng trẻ cần được sống cuộc sống của một đứa trẻ. Cuộc sống đó không chỉ là chơi mà còn học khoa học, viết, làm toán, học nghệ thuật.
“Chúng ta thường quan niệm học đạt điểm cao để sau này có sự nghiệp thành đạt. Ai cũng phải có sự nghiệp của mình nhưng đó không phải tất cả cuộc sống. Cuộc sống là phải biết sống chan hòa, mang lại hạnh phúc cho người khác”, ông quan niệm.
Do đó, GS Châu cho rằng không nên mục đích hóa mọi việc, đặt mục tiêu làm việc này để đạt được điều gì. Bởi trước hết, chúng ta phải sống cuộc sống của mình và để trẻ sống cuộc sống của trẻ.
Theo ông, khi con chưa đủ độc lập, cha mẹ tạo điều kiện để con được sống với những thứ muốn học, khơi gợi để trẻ thích học. Nhưng nếu con không thích, phụ huynh không nên bắt con học nhiều quá.
Ông nói thêm con ông học không quá xuất sắc nhưng có nhiều đam mê như nghệ thuật, âm nhạc, kinh doanh. Tất nhiên, ông thừa nhận mong muốn con theo đuổi sự nghiệp toán học. Nhưng khi không thành công, ông không quá buồn.
“Tôi thực sự mong muốn con thành người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ, hạnh phúc trong cuộc sống của mình, biết cảm nhận cái hay, cái đẹp của cuộc sống, sống chan hòa, đem lại niềm vui cho người khác”, GS Châu một lần nữa nhắc đến việc mong con mang lại niềm vui cho mọi người.
Ông chia sẻ theo quan niệm truyền thống, phụ huynh cho con học một nghề để sống song thực tế, không ai làm cùng một nghề cả. Nhiều người học ngành này, làm ngành khác, mười năm sau, làm một ngành khác nữa.
Đương nhiên, thái độ chuyên nghiệp rất quan trọng. Nhưng ông tin không ai làm một công việc cả đời. Do đó, yếu tố quyết định thành công trong công việc, cuộc sống là sự mềm dẻo trong tư duy, kỹ năng, sự hiểu biết, vốn văn hóa chung và sự sáng tạo. Vì thế, GS Châu mong mong mỗi khi đi đến đâu, mọi người đem kinh nghiệm sống, sự sáng tạo của mình cho công việc mới.
Trước câu hỏi cần chuẩn bị gì cho con cái để đối mặt với cuộc sống thay đổi trong tương lai, ông cho rằng cần giúp trẻ trang bị, hòa mình vào cuộc sống văn hóa.
“Vốn văn hóa là cái giúp các em hội nhập trong cuộc sống, trong mọi điều kiện thay đổi của cuộc sống, từ trong nước đến nước ngoài”, ông nêu quan điểm.