Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Nguyễn Lân Dũng tin Huyền Chip nói thật

Trong buổi họp báo ra mắt sách "Xách ba-lô lên và đi" tập 2 tại Hà Nội, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ cảm xúc, sự khâm phục với Huyền Chip sau khi đọc xong hai cuốn sách của cô.

Từng rùng mình khi đọc Xách ba-lô lên và đi

Trong buổi họp báo này, Huyền Chip đã sẵn lòng giải đáp những thắc mắc của độc giả về các vấn đề xung quanh các câu hỏi “nóng” như xin visa, chi phí, làm thêm...

Trước nhiều luồng ý kiến khác nhau về cuốn sách, GS Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ sự cảm phục với Huyền Chip. GS cho biết, ông không chỉ đọc cuốn sách này mà còn giới thiệu lên trang blog cho mọi người, bạn bè cùng tìm đọc.

Trong cuốn sách, Huyền Chip đã đi đến nhiều nơi nguy hiểm nhưng bằng sự can đảm, sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm của mình, cô đã vượt qua tất cả. Cô bé đã từng bị đe dọa, cướp bóc, đến những vùng không có điện, không có nước, không có tiền phải nhịn đói… hay cạm bẫy, lừa lọc.

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ cảm xúc sau khi đọc cuốn sách của Huyền Chip.
GS Nguyễn Lân Dũng kể lại sự lo lắng khi đọc những câu chuyện Huyền Chip: “Chi tiết làm tôi rùng mình nhất là chi tiết cô ngủ chung giường, chung phòng với một anh thanh niên cao to, đẹp trai. Cô ấy đã thuyết phục anh ta nghiêm túc. Nhưng khi tôi hỏi: “Nhỡ anh ta tấn công thì cháu làm thế nào?”, Huyền Chip tỉnh bơ mà rằng: “Thì cháu sẽ đánh lại”. Với một bậc phụ huynh, có lẽ không ai dám cho con mình làm điều như thế”.

Một lần nữa, GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự khâm phục với cô: “Tôi đã thức đêm để đọc cuốn sách này, tôi thấy hay hơn cuốn 1 bởi cuốn này viết thành thật. Tôi vô cùng ngưỡng mộ. Quá giỏi với tinh thần dám vào chỗ khó, những chỗ nguy hiểm để thử sức mình của cô bé mới hơn 20 tuổi. Tôi cảm thấy khâm phục!”.

“Nó không chỉ dừng lại ở cuốn sách. Đọc xong ta thấy mình lớn lên, bản thân tôi năm nay 76 tuổi rồi mà cũng thấy lớn lên vì đó là những trải nghiệm thật, con người thật, cuộc sống thật không giấu giếm của cô bé 21 tuổi khi đang hành trình trên đất châu Phi. Quá cảm động, ai chưa đọc thì nên đọc nó”, GS Lân Dũng chia sẻ.

Theo GS thì cách viết của tác giả trong cuốn sách khác hẳn với người khác và “các nhà văn sẽ cảm thấy giật mình khi đọc cuốn sách này”. Ông chia sẻ, cuốn sách chứa không chỉ thông tin mà còn là ấn tượng, trải nghiệm, lời khuyên, cảm xúc… hơn hẳn những cuốn sách khác trong nước.  

Huyền Chip tại buổi họp báo sáng nay.

Không tin sách của Huyền Chip đẩy con cái vào... chỗ chết

Trước những thông tin trái chiều trên mạng xã hội, GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm riêng: “Tôi rất buồn vì những bạn trẻ không hiểu biết, chưa hiểu cô bé mà đã ném đá. Tôi tin Huyền Chip nói thật, trải nghiệm của cô bé là có thật. Chính tôi là người viết lời tựa cho cuốn sách của Chip. Hai cuốn sách là những chia sẻ của một cô bé về những trải nghiệm trong suốt cuộc hành trình của mình”.

Trong cuộc họp báo này, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đưa cho độc giả và phóng viên cuốn hộ chiếu với dày đặc những con dấu với những thứ tiếng khác nhau. Đó chính là một bằng chứng về tính chân thật trong chuyến đi của cô gái 23 tuổi đầy bản lĩnh.

Những ngày qua, đông đảo người đã đòi cô đưa ra bằng chứng về chuyến đi, cụ thể là visa, và tại họp báo Huyền đã công bố để khẳng định mình không hề nói dối.

Trước câu hỏi “Ông có cho rằng những câu chuyện của Huyền Chip có đẩy con cái chúng ta… vào chỗ chết không?”, ông nhanh chóng khẳng định: “Tôi không tin”.

GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi không tin là đọc xong sách của Huyền Chip, các bạn trẻ sẽ xách ba lô lên đi hết và lao đầu vào chỗ chết. Tôi đã đi khoảng 30 nước, chủ yếu là đi công tác, có xe đưa rước tận nơi, xem cảnh nọ cảnh kia, được đưa đón, không bị đe dọa, không có chỗ nào lại không có người biết tiếng Anh, hay không điện nước... Trong khi Huyền Chip đã phải tự xin visa, tự lo về tài chính, đã quăng mình vào trong cuộc sống đầy bất trắc để trải nghiệm những điều chưa ai trải nghiệm. Vì thế, 30 nước của tôi không thể nào mang đến cảm xúc như một nước của Huyền”.

Trước thắc mắc của phần lớn độc giả về chuyện cần có bao nhiêu tiền để xách ba lô lên đường đi qua 25 nước? GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Điều quan trọng là bạn có đủ tiếng Anh, đủ khả năng kiếm sống ở nước ngoài, có dám làm, có nghị lực, sự dũng cảm như cô bé này hay không?”.

Quyên Quyên (Ảnh Tuấn Mark)

Bạn có thể quan tâm