Trong nội dung thảo luận về GS Phan Thanh Sơn Nam trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, một bài viết đăng tải ngày 27/2, cho rằng GS Nam sử dụng một kết quả phổ cộng hưởng từ cùng một lần đo (nhiều kết quả khác nhau) cho nhiều bài báo khoa học.
Bài viết cũng dẫn ra các bài báo lặp lại phổ cộng hưởng từ. Những bài báo này được đăng từ năm 2014 đến năm 2020.
Trao đổi với Zing chiều 9/3, GS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, thừa nhận trong một số công bố SCIE (danh mục các tạp chí khoa học, kỹ thuật mở rộng) xảy ra tình trạng trong phần phụ lục (SI) của bài này, có một số phổ cộng hưởng từ (NMR) giống với phổ cộng hưởng từ trong phụ lục của bài khác. Đây đều là những bài báo do chính nhóm nghiên cứu của ông thực hiện.
Ông và các cộng sự đang rà soát, đặt hoá chất để làm lại thí nghiệm và phân tích NMR lại. Nhóm nghiên cứu liên hệ tạp chí đã đăng 4 bài báo này để đăng bản đính chính.
GS Phan Thanh Sơn Nam. Ảnh: ĐH Bách khoa TP.HCM. |
"Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần phụ lục, là sai. Xưa nay, tôi vẫn nhắc nhở học trò của mình. Nhóm tôi đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng", GS Nam nói.
GS Nam thông tin trong 4 bài này, tác giả trực tiếp viết phần phụ lục. Sau đó, một người hướng dẫn khác trong nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi tới trưởng nhóm (GS Nam) đọc lần cuối cùng. Nhóm nghiên cứu đã phân công 2 người kiểm tra nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót.
Ông cũng nói thêm trong nghiên cứu khoa học, việc xảy ra sai sót và phải đính chính là chuyện bình thường, nhất là với các ngành thực nghiệm.
"Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu và là người kiểm tra lần cuối bài báo, tôi thành thật xin lỗi cộng đồng vì để xảy ra chuyện này. Cá nhân tôi xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng, không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Tôi xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn", ông nói.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được biết đến là giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015 khi mới 37 tuổi. Năm 2018, ông được tạp chí Asian Scientist bình chọn là một trong số 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á, ghi nhận ông có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng. Ông cùng cộng sự có hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế.