Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Trần Ngọc Thêm: ‘Sách của GS Đại nên được thẩm định theo cách khác'

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, chúng ta sẽ trở lại lối quản lý theo “tư duy đồng phục" nếu đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống nhau đến từng nội dung.

Trả lời phỏng vấn Zing.vn, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học, đánh giá cao giá trị của bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Ông Thêm đề xuất Bộ GD&ĐT, cũng như Hội đồng thẩm định, nên thẩm định sách giáo khoa (SGK) của GS Hồ Ngọc Đại theo "chuẩn đầu ra của chương trình".

Không nên chê trách hội đồng thẩm định

- Hội đồng thẩm định SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã đánh giá bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không đạt. Theo giáo sư, điều này có hợp lý không?

- Bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 3 cuốn của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại không được thông qua ngay từ vòng đầu vừa hợp lý vừa có chỗ không hợp lý.

Hợp lý là vì Hội đồng thẩm định đã căn cứ nhiệm vụ được giao, kiểm định những bộ sách “ứng thí” soạn theo các chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành đầu năm 2018.

Theo các chương trình này, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp của mỗi môn học ở mỗi lớp đều đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại ra đời từ năm 1978 và được hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Dù có được các tác giả rà soát, bổ sung trước khi nộp thẩm định, nó vẫn là sách được biên soạn với những yêu cầu, nội dung, phương pháp khác (hoặc có chỗ khác). Vì vậy, việc ba cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu là điều dễ hiểu.

Điều không hợp lý ở chỗ cả hai bên có lẽ đều đã dự đoán được trước việc này. Chính GS Đại nói ngay là ông không bất ngờ. Biết trước mà vẫn để nó xảy ra là đáng trách, vì đã làm mất thời gian của cả hai bên, lãng phí tiền của của nhân dân và điều hệ trọng hơn là đã gây nên những ồn ào, bất an, hoang mang không đáng có.

Ho Ngoc Dai anh 1
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng lẽ ra GS Đại không nên đem bộ sách của mình đi thẩm định. Ảnh: Minh Nhật.

- Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng 15 thành viên trong hội đồng thẩm định không có chuyên môn, năng lực tương ứng để đánh giá bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại. Chính GS Đại cũng đặt vấn đề “15 người thẩm định hơn hay gần một triệu học sinh hơn?”. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ rằng những ý kiến như vậy có phần chủ quan và cực đoan, dễ kéo theo những hiểu lầm và gây nên những thương tổn tinh thần không đáng có. Không thể đòi hỏi 15 thành viên trong hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt này ai cũng là những chuyên gia đầu ngành.

Theo khoản 2 điều 32 của Luật Giáo dục mới ban hành, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa gồm cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học... và phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Nhiệm vụ của hội đồng được lập ra cũng không phải để đánh giá bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại, mà lựa chọn những bộ sách đáp ứng yêu cầu mà chương trình môn học đặt ra. Với cách đặt vấn đề như thế, tôi cho rằng hội đồng thẩm định đã làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình và không có lý do gì chê trách họ cả.

Lẽ ra ngay từ đầu, dự đoán rằng sách sẽ không được thông qua, GS Đại không nên đưa đi thẩm định. Mặt khác, ban tổ chức cũng nên có cơ chế chọn lọc, phân loại ngay từ đầu. Cần đảm bảo rằng các sách nộp để thẩm định phải được biên soạn theo chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, không nên tiếp nhận những bộ sách không biên soạn theo chương trình này vì đương nhiên chúng sẽ bị loại ra.

- Như vậy, ông cho rằng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại không phù hợp nội dung chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

- Đúng, tôi nghĩ đơn giản là nó không phù hợp. Con số gần 300 điểm mà hội đồng cho rằng cần phải sửa chữa ấy là để phù hợp chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới, chứ nó không phải cơ sở để phủ nhận giá trị của bộ sách.

Không nên bắt bộ sách đã "sống" 40 năm phải sửa 300 chỗ

- Vậy nên đánh giá thế nào về giá trị bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại?

- Ba cuốn sách đưa đi thẩm định của GS Hồ Ngọc Đại nằm trong bộ sách giáo khoa tiểu học từ lớp 1 đến lớn 4 của Chương trình thực nghiệm. Giá trị lớn nhất của bộ sách này, theo tôi, nằm ở chỗ nó đã chịu đựng được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian.

Không nên đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách.

GS Trần Ngọc Thêm

Thực tế, qua 40 năm, trong khi sách giáo khoa chính thống phải trải qua hai lần cải cách, thay sách vào năm 1981 và năm 2000, thì sách Công nghệ Giáo dục phải trải qua một lần thu hẹp phạm vi sử dụng và một lần đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Nhưng chỉ 5 năm sau mỗi đợt thay sách, khi hệ thống giáo dục chính thống gặp sự cố (hơn 1/3 học sinh lưu ban vào năm 1986 và nạn "ngồi nhầm lớp" diễn ra phổ biến vào năm 2006), sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đưa trở lại “cứu nguy”. Sau mỗi lần trở lại, phạm vi sử dụng của sách được mở rộng ra.

Từ trường thực nghiệm, sách Công nghệ Giáo dục đi về các tỉnh thành; từ miền xuôi, sách đi lên miền núi, vùng xa phục vụ thành công cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Giá trị quan trọng của bộ sách còn ở chỗ việc lựa chọn ở các địa phương là tự nguyện. Giáo viên dạy theo sách Công nghệ Giáo dục có thể phải bỏ công sức nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường như một số thành viên hội đồng thẩm định nhận xét. Bù lại, học sinh học theo sách Công nghệ Giáo dục không khó như nhiều người nghĩ (việc học sinh các dân tộc thiểu số cũng học được chính là minh chứng).

Thực tiễn giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy có thể là có những nội dung “vượt chương trình”, nhưng một khi thực hiện được triết lý giáo dục đem lại hạnh phúc, niềm vui cho học trò, một khi nhà trường không chạy theo thành tích, không cần thi đua, xếp hạng, chấm điểm, trẻ học thoải mái, không bị áp lực, các em hoàn toàn có thể tiếp thu những điều mà người lớn cho là khó một cách dễ dàng. Đó có lẽ chính là điều mà hệ thống trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đã làm được trong những năm qua.

- Tính hiệu quả của bộ sách Công nghệ Giáo dục đã được chứng minh. Nếu lần này bộ sách không được duyệt và đưa vào giảng dạy, nó có thể “chết”. Theo ông, GS Hồ Ngọc Đại có nên sửa hay cần có cơ chế riêng cho bộ sách này?

- Giáo dục liên quan trực tiếp con người, trực tiếp đào tạo con người, nên cần đối xử rất cẩn trọng, không thể vội vàng. Sau nhiều lần cải cách giáo dục bất thành, lần này, chúng ta đang cố gắng làm một cách rất khoa học và bài bản.

Nhưng cố gắng là một chuyện, trên thực tế, việc thực hiện bao giờ cũng bị nhiều khó khăn chi phối. Không có con đường nào chỉ trải hoa hồng. Thực tế bao giờ cũng nhiều chông gai, chưa dám chắc rằng những bộ sách đang được biên soạn và thẩm định hiện nay sau 5 năm nữa có số phận ra sao. Do vậy, cần hết sức trân trọng, nâng niu những thành quả đã đạt được.

Thành quả của sách thực nghiệm giáo dục 40 năm qua không hề nhỏ. Từ trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội) năm 1978, đến 2013, sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục không còn là thực nghiệm mà đã trở thành phương án chính thức. Đến năm 2016, nó đã được 48 tỉnh thành lựa chọn, số học sinh học theo phương án này chiếm 1/3 tổng số học sinh cả nước.

Trong khi sách giáo khoa chính thống đến nay phải qua hai đợt cải cách, mỗi đợt cải cách chỉ có một lần thẩm định (đợt này là thứ ba) thì sách Công nghệ Giáo dục đã qua hai lần thẩm định (năm 2006 và 2017) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển.

Ho Ngoc Dai anh 2
GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bộ sách nếu chỉ để hội đồng thẩm định thông qua. Ảnh: Q.Q.

Vì vậy, không nên đánh đồng những bộ sách đang soạn mới hoàn toàn, được thẩm định lần đầu với bộ sách Công nghệ Giáo dục đã vượt qua nhiều thử thách, đang được gần một triệu học sinh sử dụng, cũng như nhận sự quan tâm của mấy triệu ông bà, cha mẹ.

Cũng không nên bắt bộ sách đã hoàn thiện trong 40 năm và thực nghiệm thành công phải sửa gần 300 chỗ, tức là phải làm lại hoàn toàn, phải “gọt chân cho vừa giày”. Làm việc đó có nghĩa những điểm mạnh mà bộ sách này đã đạt được sẽ bị xóa bỏ.

Thực hiện nguyên tắc “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, theo tôi, cần có cái nhìn mở, thoáng hơn đối với việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa.

Trong xu hướng quản lý coi trọng sản phẩm cuối cùng ở mọi lĩnh vực nói chung và quản lý theo chuẩn đầu ra trong lĩnh vực giáo dục (được khẳng định ở các điều 10, 12, 45 của Luật Giáo dục 2019), bộ sách giáo khoa đã vượt qua sự thử thách của thời gian, được thực nghiệm thành công như Công nghệ Giáo dục chính cần được thẩm định và quản lý theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chứ không nên đòi hỏi nó phải bám sát các nội dung cụ thể và ngữ liệu mang tính định hướng mà chương trình môn học yêu cầu.

Tương tự, chúng ta cũng không nên đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách. Chúng ta đã vô tình trở lại lối quản lý theo “tư duy đồng phục” đã lỗi thời. Lối quản lý này sẽ triệt tiêu mọi tính đa dạng, sáng tạo mà chúng ta đang kêu gọi các tác giả phải phát huy.

'Ai chịu trách nhiệm khi loại sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại?'

"Ai sẽ chịu trách nhiệm khi sang năm trẻ tái mù chữ ở các vùng sâu, xa hay học sinh dân tộc thiểu số?", PGS Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi liên quan sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm