Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Việt được đồng nghiệp Pháp tổ chức ngày Topo Đại số mừng sinh nhật

Các đồng nghiệp ở Pháp từng tổ chức ngày Topo Đại số để kỷ niệm sinh nhật GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, nhằm ghi nhận đóng góp của ông. Đây là vinh dự hiếm người có được.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng sinh ngày 28/8/1954 tại Hà Nội, khoảng hơn một tháng trước ngày Việt Minh tiếp quản thủ đô. Thời học sinh, Nguyễn Hữu Việt Hưng học giỏi có tiếng. Bố mẹ ông luôn tự hào về chuyện học hành của con trai mình.

Năm lớp 10, Hưng đoạt giải nhất Toán toàn miền Bắc, mở ra tương lai xán lạn cho cậu bé tài năng và điển trai. Nhưng cuộc đời không suôn sẻ như thế. Nguyễn Hữu Việt Hưng không được đi học ở nước ngoài như bạn bè cùng trang lứa vì “chủ nghĩa lý lịch”. Thậm chí, suýt chút nữa ông không được học đại học, kể cả các trường trong nước.

May sao, năm 1977, TS Huỳnh Mùi - một trong những GS hàng đầu trong lĩnh vực Topo Đại số - từ Nhật Bản về nước, làm việc tại ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nguyễn Hữu Việt Hưng trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên của TS Huỳnh Mùi.

GS Nguyen Huu Viet Hung anh 1
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng. Ảnh: NVCC.

GS Toán học hàng đầu về Topo Đại số

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng đã chủ trì nhóm nghiên cứu Topo Đại số của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là nhóm nghiên cứu mạnh, có quan hệ hợp tác nghiên cứu với nhiều nhóm làm việc tại các quốc gia trên thế giới. Ông có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc: 40 bài báo tầm cỡ quốc tế, 2 sách chuyên khảo, 8 đề tài khoa học.

Với những đóng góp của mình, ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; Huân chương Lao động hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng; Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ. Ông là một trong hai người đầu tiên được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhằm vinh danh những nhà khoa học có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên.

Một điều thú vị là năm 2017 đến lượt Nguyễn Sum, học trò tâm đắc nhất của ông cũng được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu. Nguyễn Hữu Việt Hưng - Nguyễn Sum trở thành cặp thầy - trò duy nhất đoạt giải thưởng danh giá này cho tới nay.

Năm 2014, các đồng nghiệp ở Pháp tổ chức ngày Topo Đại số để kỷ niệm sinh nhật của GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, nhằm ghi nhận đóng góp của ông ở lĩnh vực này. Đây là vinh dự hiếm người có được.

GS Nguyen Huu Viet Hung anh 2
Poster hội nghị Toán học Topo Đại số kỷ niệm tuổi 60 của GS Hưng tại Pháp.

Gần đây, trong lời nói đầu của bộ sách “Polynomials and the mod 2 Steenrod Algebra”, hai tác giả Grant Walker và Reg Wood đã viết lời cảm ơn GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, cùng ghi nhận những đóng góp của ông và học trò là Nguyễn Sum và Trần Ngọc Nam.

Theo đánh giá của ông, đó là “lời cảm ơn ấm lòng người, phải dành lấy bằng lao động gần cả cuộc đời”.

Có 2 nhận xét ngắn về nhà Toán học - Nhà giáo Nhân dân - GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, tôi thấy khá thú vị. Đó là của một đàn em nhỏ hơn ông 2 tuổi và GS Nguyễn Hữu Anh, người thầy mà ông yêu quý.

“Giỏi chuyên môn, văn hay chữ tốt. Uyên bác, cao ngạo. Lịch sự, khôn ngoan. Tính nho sĩ Bắc hà điển hình...”.

“Tốt. Gai góc. Có thể đâm thủng người khác. Nhưng chưa bao giờ đâm tôi”.

Vị GS đang công tác tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) này là người gai góc, nghiêm khắc và có sự đòi hỏi khắt khe đôi lúc lên đến cực đoan. Ông có ít học trò nhưng người nào cũng xuất sắc.Vượt qua được sự khắt khe của ông thầy khó tính này, rõ ràng phải là người thực giỏi và bản lĩnh.

Nguyễn Hữu Việt Hưng là người thẳng thắn, bộc trực. Có vấn đề là ông lên tiếng ngay. Năm 1995, từ phát hiện của ông, “vụ án đạo văn” được Bộ GD&ĐT giải quyết theo quy trình chuẩn mực, khoa học.

Năm 2017, khi Bộ GD&ĐT thông qua quyết định sử dụng hình thức trắc nghiệm ở bộ môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ông là người phản biện mạnh mẽ. Ông đã cùng các đồng nghiệp trong Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam gặp thứ trưởng GD&ĐT và các cộng sự để nêu rõ ý kiến, quan điểm của hội.

Với bề ngoài gai góc, nhiều khi cứ như con nhím luôn xù lông như vậy, Nguyễn Hữu Việt Hưng lại là người sống nội tâm, tình cảm. Đối với học trò, ông quan tâm săn sóc. Gần đây nhất, ông đăng lên Facebook dòng trạng thái “Liệu có cứu được Diệu không?” để tìm cách giúp đỡ người học trò giỏi của mình ngày xưa, nay mắc chứng tâm thần.

GS Nguyen Huu Viet Hung anh 3
GS Hưng được nhận xét là người nghiêm khắc nhưng sống nội tâm, tình cảm. Ảnh: NVCC.

Người gai góc và nghiêm khắc, viết văn hay, làm Toán giỏi

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng có kiến thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và viết văn hay. Ông vừa có cái chặt chẽ, logic của Toán lại vẫn rất bay bổng, lãng mạn. Năm 2005, trong hội nghị Toán học nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh GS Nguyễn Hữu Anh, ông có tham luận rất hay.

Bài giảng đại chúng “Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả” của ông giới thiệu Topo học bằng giọng văn giản dị, hài hước, khiến môn khó học bỗng trở nên đơn giản, hấp dẫn.

Gần đây, ông đăng lên Facebook phần bình luận về bài thơ kiệt tác Kim lũ y (Áo tơ vàng) của nữ thi sĩ đời Đường, Đỗ Thu Nương, thâm thúy và sâu sắc không kém nhà phê bình thực thụ.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng có những kiến giải sâu sắc, có tầm nhìn về vai trò của khoa học và nghệ thuật.

Ông nói rằng không có nghiên cứu cơ bản thì không thể là quốc gia hàng đầu, và đất nước chỉ có những người làm công cho tư bản.

Ông cũng nói khoa học giống như nhạc giao hưởng vậy. Một quốc gia có thể thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng để đạt đỉnh cao thế giới thì không thể không có thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc bác học.

Nhân vô thập toàn, Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng vậy. Ông luôn tự hào mình là một trong những nhà Toán học “quốc lủi” nên đôi khi có cái nhìn "khắt khe" đối với những người học nước ngoài.

“Tôi từng rất buồn vì con trai Việt Khuê làm bình luận viên bóng đá”

“Việt Khuê học hệ Cử nhân Tài năng Toán khóa 6 (2002-2006), tốt nghiệp thủ khoa của ĐH Quốc gia Hà Nội. Với thành tích ấy, Khuê được quyền ở lại trường làm giảng viên, theo quy chế của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tôi định đưa Khuê sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, kỳ vọng con sẽ hơn bố. Vì thế, khi Khuê quyết định làm bình luận viên bóng đá, tôi rất buồn. Bây giờ, tôi không buồn nữa, vì Khuê phải tìm hạnh phúc cho chính nó, không thể để vừa lòng bố mẹ mà suốt đời làm một nghề không ưa thích”, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng nói về con trai đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Vị GS nổi tiếng nghiêm khắc cũng cho biết ông rất đam mê bóng đá.

Ông có 2 năm làm việc tại Barcelona (1993-1995), từ đó mê phong cách FC Barcelona. Đó không chỉ là say mê câu lạc bộ chơi thứ bóng đá quyến rũ (sexy football), mà còn là thái độ đứng về phía khát vọng sống của một dân tộc (Catalant) ít người từng bị chà đạp.

8 người Việt xuất sắc giành hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế

Qua 41 lần tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO), đội tuyển Việt Nam giành 59 huy chương vàng, trong đó 8 người giành hai huy chương vàng liên tiếp và 9 người đạt điểm tuyệt đối.

TS Trần Nam Dũng từng là học sinh chuyên Toán trường Trung học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng. Ông đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp. Sau đó, Trần Nam Dũng sang Nga học đại học và làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Matxcova mang tên Lomonosov.

Về nước, ông giảng dạy tại khoa Toán - Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên và trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông có gần 25 năm kinh nghiệm giảng dạy chuyên Toán, là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu giai đoạn 1997-2003.

TS Trần Nam Dũng được tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trung ương Đoàn, Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcova (Nga), Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Mồ hôi, nước mắt của những cô giáo cõng chữ lên 'cổng trời'

“Đi dạy ở 'cổng trời Ea Rớt' cũng giống như nghỉ dưỡng, cứ nghĩ vậy là vui”, cô Yến, giáo viên lớp mẫu giáo duy nhất ở đây nói về công việc của mình với niềm vui đặc biệt.

Những người đầu tiên thi Olympic Toán quốc tế năm 1974 giờ ra sao?

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa kể những người đầu tiên tham dự Olympic Toán quốc tế trong bối cảnh đất nước chưa thống nhất, còn nhiều khó khăn, nhưng tình yêu với Toán học luôn sâu đậm.

TS Trần Nam Dũng

Bạn có thể quan tâm