Người thầy hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Khi người thầy hạnh phúc và an toàn, không phải lo đối phó sóng gió và cạm bẫy của cuộc đời, anh ta sẽ dồn hết tâm sức, trí tuệ cho công việc: Dạy học, truyền cảm hứng và tạo ra những con người có khả năng thay đổi thế giới.
Thành công nào cũng phải trải qua chông gai, gian khó và nỗ lực. Nhưng dường như trên con đường từ cậu học trò chuyên Toán Chu Văn An, Hà Nội, trở thành nhà toán học tầm cỡ thế giới, GS Vũ Hà Văn luôn được bao bọc và nâng đỡ bởi tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và bây giờ là gia đình nhỏ của ông. Điều này đã góp phần hun đúc một Vũ Hà Văn trong trẻo, bao dung, hài hước nhưng sâu sắc và chiêm nghiệm.
GS Vũ Hà Văn và cha - nhà thơ Vũ Quần Phương. Ảnh: NVCC. |
Nhà toán học đẳng cấp thế giới được nung nấu bằng tình yêu thương
Vũ Hà Văn sinh tại Hà Nội, quê Nam Định, là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương và dược sĩ Đào Thị Hường. Vũ Hà Văn học trung học tại trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam. Sau khi tốt nghiệp trung học, nam sinh trường chuyên được cấp học bổng du học Hungary.
Ban đầu, ông học khoa Điện tử, nhưng sau một năm rưỡi thì chuyển sang Toán ở ĐH Eötvös Loránd. Chàng trai Vũ Hà Văn đậu cử nhân Toán học năm 1994, rồi bằng tiến sĩ Toán học tại ĐH Yale, Mỹ, dưới sự hướng dẫn của GS László Lovász.
Hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và Ban Nghiên cứu của Microsoft, từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc ở ĐH California tại San Diego với vai trò phụ tá giáo sư, phó giáo sư rồi giáo sư.
Từ mùa thu năm 2005, Vũ Hà Văn trở thành giáo sư Toán học tại ĐH Rutgers. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Yale năm 1998, sau đó trở thành giáo sư giảng dạy tại trường này năm 2011. Nhà Toán học nổi tiếng cũng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Paris 6, của Pháp năm 2006 và ĐH Quốc gia Singapore (NUS) năm 2017-2018.
Năm 2018, GS Vũ Hà Văn được bổ nhiệm chức danh Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ ứng dụng.
Trước khi nổi tiếng thế giới và đạt được những thành công, cậu bé Vũ Hà Văn lớn lên trong những câu thơ của bố và sự chăm sóc chu đáo của mẹ. Vũ Hà Văn vẫn thường đọc thơ của cha và ông thích nhất những bài được viết ở giai đoạn nhà thơ Vũ Quần Phương 30-40 tuổi.
Là người trưởng thành trong khói lửa chiến tranh nhưng thơ của Vũ Quần Phương ít thấy bóng dáng của súng đạn và những câu khẩu hiệu thời chiến. Những bài thơ của bố mà Vũ Hà Văn thích nhất là “Trước biển”, “Đợi”, “Đá và người thợ đá”, “Tiếng người câm”.
Câu chuyện Vũ Hà Văn học Toán cũng rất thú vị và cảm động. Khi sang Hungary, ông được xếp vào khoa Điện tử của ĐH Bách khoa. Cuối năm nhất, chàng trai đến từ Việt Nam nằm trong đội tuyển của khoa đi thi Olympic Toán sinh viên và đoạt giải cao. Bà giáo dạy Toán thấy Vũ Hà Văn giỏi quá bèn nói với chồng là ông László Lovász, lúc đó là nhà toán học nổi tiếng thế giới.
Nói thêm về người thầy vĩ đại của Vũ Hà Văn, ông László Lovász là nhà toán học người Hungary nổi tiếng về công trình nghiên cứu Toán học tổ hợp. Ông đã được thưởng giải Wolf về Toán học và giải Knuth năm 1999.
Khi còn là sinh viên, Lovász đã đoạt các huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế (các năm 1964, 1965, 1966) và con trai ông cũng đoạt huy chương vàng này năm 2008. Điều thú vị là năm 2007, con trai ông, cũng có tên László Lovász, đã tham dự kỳ thi Toán quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Việt Nam trong thành phần đội tuyển Hungary.
Năm đó, Vũ Hà Văn là giám khảo, captain của bài số 3 khó nhất cuộc thi. László Lovász con năm đó được huy chương bạc (với mức điểm sát nút vàng).
Ông Lovász cho gọi Văn đến nói chuyện, sau đó bảo một câu ngắn gọn: “Cháu nên học Toán”.
“Nhưng Nhà nước cử cháu đi học điện, cháu không thể tự tiện chuyển”.
“Việc đó để ta lo”.
Ông Lovász gửi thư cho Đại sứ quán Việt Nam, đại ý: Nếu Văn học Bách khoa, chúng ta sẽ có một kỹ sư giỏi. Nhưng nếu để Văn học Toán, chúng ta sẽ có một nhà toán học xuất chúng.
Kết quả là sau học kỳ hai của năm thứ hai, Vũ Hà Văn chuyển sang học Toán ở ĐH Tổng hợp.
Cuộc đời còn tiếp tục đem đến cho GS Vũ Hà Văn hai quà tặng vô giá nữa. Đó là người bạn đời Phan Thanh Hương và đồng nghiệp Terence Tao (Đào Trí Hiền), nhà Toán học Australia gốc Trung Quốc sở hữu IQ cao bậc nhất thế giới.
Người bạn đời tạo cho ông tổ ấm tuyệt vời với hai con trai khôi ngô, tuấn tú, thuận thảo: Minh Tuệ, Minh Tâm.
Còn Terry Tao cùng với vị giáo sư người Việt tạo thành cặp "song kiếm hợp bích", chinh phục hàng loạt giả thuyết khó, vốn là thách thức các nhà toán học nhiều chục năm.
GS Vũ Hà Văn và người bạn thân thiết Terence tao (thứ 2 từ phải qua) trong một bữa ăn chung của hai gia đình. Ảnh: NVCC. |
Tên là Văn, con nhà văn, nhưng lại gắn bó với Toán. Có lẽ nhờ cái duyên tiền định này, cộng với tinh thần làm việc chăm chỉ học từ bố, GS Vũ Hà Văn đã có những bước tiến nhanh đáng kinh ngạc.
Bắt đầu làm Toán muộn (lúc ông chuyển sang Toán, bạn học Nguyễn Tiến Dũng đã chuẩn bị làm nghiên cứu sinh), nhưng GS Vũ Hà Văn lại nhanh chóng ghi tên mình vào hàng ngũ các nhà toán học tầm cỡ thế giới.
“Bà đỡ” mát tay của nhiều sinh viên Việt
Thành công đến nhờ nỗ lực cá nhân tuyệt vời, định hướng và giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, sự chăm sóc của người thân, nên như một lẽ tự nhiên, GS Vũ Hà Văn muốn cống hiến lại cho đời.
Ông là thầy giáo giỏi, “bà đỡ” mát tay cho nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, thường giảng bài rất nhiệt tình, cuốn hút. Năm 2009, khi đang dạy học sinh Việt Nam dự thi Toán quốc tế, nghe nói có Vũ Hà Văn giảng “Survey on Random Matrix” ở ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi đã cho đội tuyển nghỉ để đi nghe.
Nghe lõm bõm thôi nhưng truyền cảm hứng lắm, vì cứ thấy các giả thuyết rụng như sung trước "mũi kiếm" của cặp “Terry - Van”. Dịp đó, tôi bị GS Ngô Việt Trung phê bình vì vô kỷ luật. Bị phê bình mà được nghe một bài giảng như vậy cũng đáng giá.
Những bài giảng của GS Vũ Hà Văn thường tạo được sự hứng thú đối với người nghe. Ảnh: NVCC. |
Nếu chỉ tính riêng trong các nghiên cứu sinh người Việt, GS Vũ Hà Văn đã có 3 học trò bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đó là Nguyễn Hữu Hội, giải thưởng IAS, hiện làm việc tại Ohio State University. Người thứ hai là nhà toán học nữ, Nguyễn Hoàng Anh, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, người mà GS Vũ Hà Văn đánh giá sẽ có tương lai rất sáng. Người thứ ba là Trần Vĩnh Linh, con trai nhà toán học Trần Đức Vân.
Trong giai đoạn làm việc tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS), GS Vũ Hà Văn đã tiếp xúc nhiều sinh viên Việt Nam, dạy các lớp học có sinh viên Việt. Sắp tới, với sự giới thiệu của GS Văn, Trần Hoàng Bảo Linh, huy chương đồng Toán quốc tế 2012, sẽ đến ĐH Yale danh tiếng.
Không chỉ tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, Vũ Hà Văn còn tham gia tích cực vào hoạt động nhằm đổi mới giáo dục Việt Nam. Cùng nhà giáo Phạm Toàn và GS Toán học Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn mở trang mạng giáo dục “Học thế nào”, hoạt động từ ngày 1/5/2013 với kỳ vọng tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục nước nhà.
Năm 2017, khi Bộ GD&ĐT thông qua quyết định sử dụng hình thức trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, GS Vũ Hà Văn cũng đưa ra những ý kiến phản biện, nhưng điềm tĩnh và ôn hòa hơn. Luận điểm cơ bản của ông là thi trắc nghiệm không hẳn xấu, nhưng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, thì khó thành công.
Vũ Hà Văn thích làm việc tập thể. Tinh thần dân chủ, sự tranh biện tạo sức mạnh to lớn mà thông thường một người khó có được (trừ những siêu nhân có thể tự tranh biện như Iuri Perelman).
Ngoài các công trình thực hiện chung với bạn thân Terence Tao, GS Vũ Hà Văn còn làm việc với nhiều nhà toán học khác. Trong đó, ông đặc biệt thích làm việc với các nhà toán học gốc Việt.
“Văn thích làm việc với nhiều người giỏi để học họ. Trong người Việt thì có viết bài với Hà Anh Vũ/Đoàn An Hải, Pham Hữu Tiệp, Đinh Tiến Cường, các bác này đều làm những ngành rất khác nhau”, ông chia sẻ.
Nhà toán học duy mỹ
Vũ Hà Văn là người tinh tế. Văn trên blog của mình nhẹ nhàng như hơi thở, không lên gân, không ầm ĩ, quá sức. Cứ như ta hát mà bắt đúng giọng vậy. Hát không cần lấy hơi mà vẫn hay, vẫn tình cảm và có chiều sâu. Tài viết văn có thể là bẩm sinh, thiên phú, nhưng sự tinh tế chỉ đến từ rèn luyện. Chắc chắn Vũ Hà Văn phải luyện rất nhiều mới có được “bút lực” hôm nay.
Là nhà toán học nhưng ở GS Vũ Hà Văn có sự lãng mạn, tinh tế của người học Văn. Ảnh: NVCC. |
Ông chia sẻ: “Blog lúc nào có cảm xúc mới viết được, chứ tự nhiên cũng khó và phải đầu tư lắm đấy. Hồi đó, Văn viết bài về Tuệ Trung Thượng Sĩ, phải vài tuần mới xong, đọc tư liệu tìm hiểu về cụ này, cảm được thần thái cũng mất khá lâu”.
Vũ Hà Văn là người sâu sắc và theo đạo trung dung. Không bao giờ ông hồ hởi quá mà cũng không bao giờ bi quan quá. Trước một lời đề nghị, ông thường suy nghĩ rất kỹ, đôi khi 3-4 đêm mất ngủ, nhưng đã nhận lời là gắng sức làm tốt. Không thành công cũng thành nhân.
Ông từng đánh giá: “Trong toán học, Việt Nam nhiều người giỏi, nhưng ít người ra khỏi khuôn khổ lĩnh vực của mình”.
Chia sẻ về quyết định nhận làm lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ ứng dụng, ông nói: “Đẩy một nền khoa học của đất nước đi lên, không một cá nhân, nhà khoa học, hay công ty nào, dù giỏi hay mạnh đến đâu, có thể làm được. Nó cần sự cộng hưởng của toàn xã hội. Hướng đi với sự cộng tác của doanh nghiệp và giới hàn lâm là đúng. Dù có khó, mình cũng cố một hai bước đầu”.
Vũ Hà Văn thích làm việc tốt, đóng góp cho cộng đồng. Năm 2017, khi tôi cùng các cộng sự tổ chức Ngày hội Toán học mở nhỏ (MODs 2017) tại trường Quốc tế châu Á Thái Bình Dương (APC), ông đã vui vẻ nhận lời tham gia và có bài phát biểu mở màn “Học Toán để làm gì” rất bổ ích. Mỗi lần đi nói chuyện với học sinh, chúng tôi chỉ cần triển khai bài nói của ông là đủ.
Rất tình cờ khi viết bài về GS Vũ Hà Văn, tôi cũng đang chuẩn bị cho Ngày Hội Toán học mở tại TP.HCM vào ngày 9/12 tới. Câu hỏi chính của cuộc tọa đàm vẫn là “Học Toán để làm gì?”.
Nhiều người từng thắc mắc, tự hỏi học Toán để làm gì thì cuộc đời của Vũ Hà Văn và nhiều nhà toán học khác chính là câu trả lời thuyết phục nhất: Học Toán để hạnh phúc!
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software), con trai của thiếu tướng Hoàng Đan, có chia sẻ thật dễ thương về người bạn nổi tiếng của mình”:
“Ngay từ ngày đi học, Văn đúng tên là Văn, không chỉ luôn ở top 3 về Toán, mà còn top 3 về Văn của lớp. Bây giờ cũng vậy, xưa cũng vậy, các bài viết đều hóm hỉnh, có cái nhìn rất riêng, cách hành văn ngắn và sáng sủa. Cũng phải nói đến thân phụ của Văn, nhà thơ Vũ Quần Phương.
Khen giáo sư Toán giỏi thì thừa, tôi thích nhắc đến tinh thần quyết chiến của Văn trong những trận đá bóng. Đá không khéo, nhưng bao giờ Văn cũng rất trách nhiệm, quyết liệt trong từng pha bóng. Chả biết tính cách đấy có ảnh hưởng đến việc làm Toán, nghiên cứu Toán sau này không.
Còn nhớ hồi lớp 11, Văn phi cả đầu vào cột gôn, lớp 12 thì phi vào tường bê tông sau gôn. Cả lớp thương lắm. Đám con trai thì ghen tị vì khi ấy Văn được các cô bạn học cùng lớp và lớp bên cạnh xúm vào chăm sóc”.