Thời sinh viên, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, từng theo học lớp của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu dạy. Sau này, trong quá trình công tác, ông tiếp xúc nhiều với GS Hiệu - tượng đài của khoa học Việt Nam.
“GS Nguyễn Văn Hiệu nhiệt tình, đam mê với công việc, với Vật lý đến mức mỗi lần đáp xuống sân bay Nội Bài sau chuyến công tác nước ngoài, thầy không về nhà ngay mà đến thẳng trường, tập hợp anh em để bàn bạc về trao đổi những ý tưởng thầy nung nấu trong chuyến đi. Hình ảnh đó, tôi và đồng nghiệp nhớ mãi”, GS Nguyễn Hữu Đức nhớ về GS Nguyễn Văn Hiệu.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ngoài cùng bên phải) tham dự hội nghị tổng kết Chương trình Phát triển Vật lý đến năm 2020 cùng GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (thứ 2 từ phải sang). Ảnh: GS Nguyễn Hữu Đức cung cấp. |
Nhà vật lý lo nỗi lo của đất nước
GS.TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ mọi người trong giới nghiên cứu đều biết tới GS Nguyễn Văn Hiệu như một tượng đài khoa học của Việt Nam. Ở thầy Hiệu, họ nhìn thấy một con người tài năng, luôn lo nỗi lo của đất nước và nỗ lực truyền lửa đam mê tới thế hệ sau.
Thầy Đức cho hay nhiều nhà vật lý trẻ biết đến GS.VS Nguyễn Văn Hiệu với hình ảnh nhà khoa học đau đáu nỗi lo chung của đất nước, từ đời sống nông thôn đến phát triển công nghệ, ứng dụng khoa học để đưa đất nước đi lên.
Thầy kể GS Nguyễn Văn Hiệu từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời làm cố vấn, cùng nghiên cứu, đề xuất công trình chống lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên (khu vực đầu nguồn An Giang). Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi ông quyết định khởi công xẻ tuyến kênh T5 và cả hệ thống kênh thủy lợi thoát lũ ra Biển Tây. GS Nguyễn Văn Hiệu đứng bên tay phải cố Thủ tướng. Ảnh: GS Nguyễn Hữu Đức cung cấp. |
“Những năm gần đây, mỗi lần cán bộ trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đến thăm thầy hay rất nhiều lần thầy chủ động đến làm việc với mọi người, thầy luôn suy nghĩ làm sao ứng dụng công nghệ vệ tinh để cảnh báo trước lũ lụt, lũ quét ở vùng Tây Bắc, giúp dân di chuyển trước”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhớ lại.
Không chỉ miệt mài vì khoa học, GS Nguyễn Văn Hiệu còn luôn truyền lửa, đam mê đến những nhà vật lý trẻ.
Thầy từng đến các trường đại học, về trường phổ thông, kết hợp với học bổng Odon Vallet để trao học bổng, khuyến khích học sinh vùng nông thôn học Vật lý.
Thầy Đức đánh giá ngọn lửa nhiệt huyết với khoa học, với Vật lý của thầy Hiệu không bao giờ tắt.
Chỉ cách đây vài tháng, Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020 do GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cùng các nhà vật lý khác của nước ta xây dựng vừa kết thúc giai đoạn một và tiếp tục giai đoạn mới.
Chương trình lan tỏa đến các viện nghiên cứu, trường đại học và đông đảo các nhà khoa học vật lý trong và ngoài nước, đồng thời góp phần thành lập Trung tâm Vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ, phát triển 2 tạp chí vật lý đạt trình độ quốc tế (danh mục ISI/Scopus); nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực vật lý.
“Thầy Hiệu luôn nhiệt huyết và có nhiều ý tưởng. Thầy không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà luôn cố gắng tìm ra giải pháp, cách thức để tư vấn cho Chính phủ, các trường đại học, cơ quan có thể thực hiện biện pháp cụ thể, khả thi nhằm đưa Vật lý nói riêng, nền khoa học nói chung phát triển”, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nghĩ về người thầy cũ.
GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được coi là tượng đài khoa học của Việt Nam. Ảnh: GS Nguyễn Hữu Đức cung cấp. |
Hơn 60 năm cống hiến cho ngành Vật lý
Ngày 23/1, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu từ trần ở tuổi 84, khép lại hơn 60 năm cống hiến cho ngành Vật lý, nền khoa học.
Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 1953, học xong phổ thông, ông thi đỗ vào ĐH Sư phạm Khoa học, theo học ngành Vật lý với mong muốn trở thành một giáo viên.
Năm 18 tuổi, với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, tân cử nhân Nguyễn Văn Hiệu được phân về giảng dạy tại ĐH Tổng hợp Hà Nội - một ngôi trường mới được thành lập.
Sau 4 năm giảng dạy tại khoa Vật lý, năm 1960, ông Nguyễn Văn Hiệu được gửi đi nghiên cứu tại Liên Xô. Ông hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, gây tiếng vang trong giới vật lý. Năm 26 tuổi, ông trở thành tiến sĩ trẻ nhất của cả Việt Nam và Liên Xô. Cùng năm, ông được đặc cách công nhận chức danh phó giáo sư. Bốn năm sau, ông được phong giáo sư ở tuổi 30.
Với thành tích nổi trội trong quá trình nghiên cứu, TS Nguyễn Văn Hiệu được ĐH Tổng hợp Lomonoxop mời làm phó giáo sư, rồi giáo sư kiêm nhiệm. Tại đây, ông tiếp tục khai phá và hoàn thành nhiều công trình khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới như “Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản” hay cùng cộng sự phát minh quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật “bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt”.
Năm 1969, ông về nước, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý. Năm 1975, ông được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, bắt tay xây dựng đội ngũ.
Năm 1976, GS Hiệu trở ra Bắc, đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đến năm 1983, ông trở thành viện trưởng.
Năm 1999, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhận lời mời, trở lại ĐH Quốc gia Hà Nội, đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Năm 2004, khi ĐH Công nghệ thành lập, ông trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường.
Với những cống hiến cho ngành Vật lý, GS Nguyễn Văn Hiệu từng được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1982), nhận giải thưởng Lenin về Khoa học và Kỹ thuật (1986), giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học và kỹ thuật (1996), Huân chương độc lập hạng nhất (2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (2010).
Ông còn là uỷ viên Trung ương Đảng ủy các khóa V, VI, VII, VIII, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, đồng thời là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục.