Thể loại: Hành động, giả tưởng
Đạo diễn: Sarik Andreasyan
Diễn viên chính: Anton Pampushnyy, Sanzhar Madiyev, Sebastien Sisak
Zing.vn đánh giá: 5/10
Là nền điện ảnh lớn trên thế giới, nước Nga từng cho ra đời nhiều tác phẩm hành động giả tưởng độc đáo, gây tiếng vang như hai tập phim Night Watch (2004) và Day Watch (2006) của đạo diễn Timur Bekmambetov, The Inhabited Island (2009) hay Black Lightning (2009)…
Tuy nhiên, với thể loại phim siêu anh hùng vốn rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là Hollywood, vẫn là đề tài còn khá xa lạ với xứ sở bạch dương.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu phim siêu anh hùng trên toàn cầu, cuối cùng, nước Nga cũng chính thức lên tiếng với Guardians. Được cầm trịch bởi đạo diễn Sarik Andreasyan, bộ phim lập tức gây chú ý với giới hâm mộ điện ảnh bằng hàng loạt đoạn phim giới thiệu ấn tượng, chất lượng kỹ xảo không hề thua kém nhiều bom tấn Hollywood.
Guardians là lần thử sức của điện ảnh Nga với dòng phim đang là trào lưu trên toàn thế giới: siêu anh hùng. |
Có ngân sách 20 triệu USD - mức vượt trội so với bình quân tại Nga, Guardians được các nhà sản xuất kỳ vọng sẽ là lời đáp trả hoàn hảo dành cho những siêu anh hùng đang làm mưa làm gió của Marvel Studios, DC, hay Fox.
Cốt truyện đơn giản với hiệu ứng kỹ xảo đáng khen
Guardians đặt ra giả thiết rằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng xây dựng một tổ chức bí mật có tên Hội Ái quốc. Tổ chức có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu nhằm biến đổi những người bình thường thành siêu chiến binh, nhằm ngăn chặn hiểm họa có thể đến từ các thế lực thù địch phương Tây.
Nhiều năm trôi qua, hàng loạt dự án nghiên cứu của Hội Ái quốc dần bị đình chỉ và rơi vào quên lãng. Đến một ngày, khi quân đội Nga đang tiến hành hoạt động thử nghiệm các loại vũ khí tự động mới thì họ bất ngờ bị tấn công bởi một thế lực bí ẩn có khả năng chiếm quyền điều khiển mọi loại vụ khí từ xa.
Sau khi điều tra, quân đội phát hiện ra kẻ đứng đằng sau sự vụ là August Kuratov (Stanislav Shirin) - một nhà khoa học từng làm việc cho Hội Ái quốc.
Cốt truyện của Guardians không thể đơn giản hơn, trên nền là nhiều pha hành động kỹ xảo khá tốt trong khoản ngân sách ít ỏi của bộ phim. |
Trong thời kỳ công tác cho Hội Ái quốc, Kuratov từng góp phần tạo ra nhiều thử nghiệm thành công, đồng thời tự biến mình thành siêu nhân có năng lực điều khiển vũ khí tự động bằng ý chí.
Nhận thấy âm mưu bá chủ của gã, chính phủ Nga quyết định tái khởi động Hội Ái quốc và tiến hành truy tìm những thử nghiệm thành công trước kia, nhằm tập hợp thành một biệt đội siêu chiến binh có đủ năng lực ngăn chặn kẻ thủ ác.
Về cơ bản, Guardians sở hữu câu chuyện phim đơn giản, khuôn mẫu và dễ hiểu đối với bất cứ lứa tuổi khán giả nào: một kẻ ác có năng lực đặc biệt xuất hiện với mưu đồ bá chủ thế giới, và những người hùng được tập hợp lại để ngăn chặn mưu đồ đó.
Với lý tưởng người hùng tiêu diệt cái ác thông suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, cũng không hề có thêm bất cứ ẩn ý hay góc nhìn nào mới mẻ, độc đáo, đội ngũ nhà làm phim muốn đảm bảo rằng ai cũng có thể theo dõi và hiểu hết mọi thứ diễn ra trên màn ảnh, từ các cháu thiếu nhi cho đến khán giả lớn tuổi.
Về mặt nào đó, đây có thể coi là quyết định hợp lý của nhà sản xuất. Văn hóa Nga vốn khá xa lạ với siêu anh hùng, còn đa số các tác phẩm cùng thể loại của Hollywood được chuyển thể từ nguồn tư liệu truyện tranh đa dạng, phong phú và quen thuộc.
Guardians được xây dựng với câu chuyện và nhân vật hoàn toàn mới, nguyên gốc. Việc duy trì cốt truyện đơn giản giúp nhà sản xuất kiểm soát tác phẩm của mình tốt và an toàn hơn, cũng như dễ thu hút khán giả đại chúng.
Có thể thấy điểm đáng khen nhất của Guardians chính là phần hiệu ứng hình ảnh và kỹ xảo. Với kinh phí thực hiện khiêm tốn so với các tác phẩm cùng thể loại đến từ Hollywood, khán giả phải công nhận nỗ lực đáng khen ngợi của nhà sản xuất trong việc đem đến cho khán giả những khung hình tốt nhất có thể.
Từ những đại cảnh với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, hay các loại khí tài quân sự giả tưởng của tương lai, cho đến hiệu ứng sức mạnh của nhóm siêu anh hùng… tất cả đều được thể hiện trên màn ảnh khá kỹ lưỡng, chân thực và đẹp mắt.
Cũng nhờ kỹ xảo, bộ phim dễ dàng khắc họa khả năng phi thường của nhóm nhân vật siêu chiến binh: từ khả năng tàng hình trong nước của Xenia (Alina Laninac), đến siêu tốc độ của Khan (Sanzhar Madiev) và khả năng điều khiển đất đá của Ler (Sebastien Sisak).
Đặc biệt hơn cả có lẽ là khả năng hóa gấu của Ursus (Anton Pampushnyy). Năng lực ấy trở thành điểm nhấn thú vị bởi hình ảnh một con gấu vác súng máy đi tiêu diệt kẻ ác trên màn ảnh là điều không thường thấy.
Dĩ nhiên, phần hiệu ứng hình ảnh của bộ phim vẫn còn một số hạn chế có thể dễ dàng nhận ra. Chẳng hạn như cử động của Ursus trong hình dạng người gấu còn khá thô cứng, các đòn tấn công còn thiếu lực, chưa thực tế… Tuy nhiên, nếu không quá khó tính, những hạn chế ấy là điều hoàn toàn có thể bỏ qua.
Quá nhiều điểm trừ tồn đọng
Đáng tiếc thay, dù sở hữu phần hiệu ứng hình ảnh ấn tượng, cùng các nhân vật có siêu năng lực độc đáo, Guardians lại vấp phải rất nhiều vấn đề chí tử, khiến chất lượng toàn tác phẩm suy giảm nghiêm trọng.
Đơn giản hóa tối đa cốt truyện, ê-kíp biên kịch tùy tiện “cắt xén” kịch bản của bộ phim. Kết quả là Guardians sở hữu phần kịch bản quá nghèo nàn, với nhiều tình tiết ngớ ngẩn, vô lý, diễn ra lộn xộn như không có mục đích.
Cốt truyện quá mức đơn giản của Guardians khiến bộ phim trở nên ngô nghê, thậm chí ngớ ngẩn, không khác gì một tác phẩm siêu nhân dành cho thiếu nhi. |
Các sự kiện, diễn biến trong phim hầu như không có sự phát triển, xây dựng hợp lý, mà chỉ được nhắc đến sơ sài thông qua vài câu thoại khô cứng như học thuộc lòng. Thành ra, toàn bộ sự kiện trong Guardians diễn ra mà hầu như không có lý do, nguyên nhân thuyết phục, buộc khán giả phải chấp nhận tất cả như sự thật hiển nhiên.
Phần kịch bản nghèo nàn khiến nhóm nhân vật trong phim, cả phe chính diện lẫn phản diện, trở nên nông cạn và nhạt nhẽo. Quá khứ bi thương của họ được nhắc đến theo lối cẩu thả, khi đạo diễn lần lượt cho mỗi người khoảng 5 phút để... đọc một bài diễn văn máy móc, nhàm chán, sáo rỗng về quá khứ bản thân.
Từ đầu đến cuối phim, không ai thể hiện được một chút cá tính đặc trưng nào, và ngay cả mục đích của mỗi cá nhân cùng chẳng hề rõ ràng, thuyết phục. Các siêu chiến binh giống như những cỗ máy chiến đấu vô hồn, còn kẻ phản diện chỉ là một gã bác học điên với mưu đồ thống trị thế giới đầy ấu trĩ và sơ hở.
Càng về sau, Guardians càng không khác gì một bộ phim siêu nhân dành cho thiếu nhi, được thực hiện với tư duy của một đứa trẻ ưa thích siêu anh hùng đánh đấm, chứ không phải của một nhà làm phim thực thụ.
Phần chỉ đạo hành động của bộ phim cũng là một điểm trừ đáng tiếc. Hầu hết cảnh hành động đều diễn ra chóng vánh, đơn điệu và nhàm chán. Sở hữu kỹ năng siêu việt với rất nhiều tiềm năng để khai phá, nhưng nhóm nhân vật lại không có điều kiện để thể hiện chúng trên màn ảnh.
Mỗi người chỉ có một vài phút để thể hiện năng lực bản thân với những pha cận chiến tầm thường, kém sáng tạo. Đây là điều khó có thể chấp nhận đối với một tác phẩm giải trí lấy hành động làm trọng tâm.
Nhìn chung, Guardians là một tác phẩm gây ra nhiều tiếc nuối của nền điện ảnh Nga hiện đại. Đây rõ ràng là một dự án được đầu tư nghiêm túc, nhiều tiềm năng, với ý tưởng nhân vật độc đáo và chất lượng hình ảnh đáng khen so với khoản ngân sách hạn chế.
Giá như nhà sản xuất chịu đầu tư hơn cho kịch bản, thay vì chỉ chạy theo kỹ xảo hào nhoáng bên ngoài, thì bộ phim chắc chắn sẽ gặt hái thành công. Đây có lẽ là bài học đáng giá dành cho các nhà làm phim nước Nga nếu họ muốn tiếp tục tiếp cận thể loại phim siêu anh hùng.
Guardians (Siêu chiến binh) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.