Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gửi 40 bức thư đề nghị không thả bóng bay, cô bé được 4 trường đồng ý

Nguyệt Linh viết thư, tìm địa chỉ email và gửi đến 40 hiệu trưởng ở Hà Nội với mong muốn trường không thả bóng bay dịp lễ khai giảng để bảo vệ môi trường.

Nguyệt Linh năm nay lên lớp 6, là học sinh trường Marie Curie, Hà Nội. Suốt 5 năm cấp một, em theo học ngôi trường này.

Khi biết thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie - gửi thư cho mình cùng lời hứa lễ khai giảng năm học tới sẽ không thả bóng bay, Nguyệt Linh thấy rất vui và hạnh phúc.

Trong thư, thầy Khang viết: “Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là 'Lễ khai giảng Nguyệt Linh' để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng. Thầy hạnh phúc vì con".

Bà Lê Nguyệt - mẹ của Linh - cho biết khi hay tin, cô bé nhảy tung tăng vì sung sướng. Em không ngờ sắp tới sẽ có lễ khai giảng mang tên mình.

"Con sẽ không chơi bóng bay nữa"

Đây không phải lần đầu tiên Nguyệt Linh quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường. Trước đó, em tham gia nhiều sự kiện của CLB Ô xinh, học cùng nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng), làm phim, dựng clip về bảo vệ môi trường.

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã có hành trình “Cứu biển”, “săn” rác thải nhựa, điều này ảnh hưởng trực tiếp và truyền cảm hứng đến nữ sinh.

co be gui thu khong su dung bong bay anh 1
Nguyệt Linh học đều và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

Từ đó, Linh có nhiều nhận thức, thay đổi suy nghĩ với môi trường. Bàn học của cô bé có 3 chậu cây nhỏ. Đó là thành quả mà em đổi được từ chai nhựa và sách báo tại hội chợ đồ cũ.

Linh còn tham gia dự án hướng dẫn mọi người làm gạch tái chế từ chai nhựa và túi nylon. Cô bạn chia sẻ cách làm rất đơn giản, chỉ cần giặt sạch túi, cắt nhỏ và lèn thật chặt trong chai nhựa. Túi nylon thành chậu cây nhỏ là cách yêu môi trường giản dị của Nguyệt Linh.

Bà Lê Nguyệt (giảng viên đại học) tâm sự từ lâu, con gái bà đã “từ chối” trò chơi thổi bóng bay, vì biết đây cũng là rác thải, không tốt cho môi trường.

Mới đây, Nguyệt Linh bày tỏ mong muốn viết thư gửi đến các trường tại Hà Nội về việc không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Thấy ý tưởng của con nhân văn, ý nghĩa với môi trường, gia đình đã ủng hộ và động viên con.

Cô bé tìm địa chỉ email của hiệu trưởng các trường học ở Hà Nội, tự đánh máy và gửi thư đến 40 nơi khác nhau.

“Tôi xem thư của con thấy chỉ một số địa chỉ bị lỗi, còn lại thư đều được gửi đi. Nguyệt Linh nhận được thư trả lời của đại diện các trường Pascal, Bill Gates, Việt Úc, hứa sẽ hạn chế rác thải, không thả bóng bay lên trời trong ngày lễ khai giảng. Hiệu trưởng trường Marie Curie cũng viết thư cảm động gửi riêng cho Linh. Điều đó khiến con rất vui và được động viên nhiều”, bà Nguyệt tâm sự.

Yêu môi trường và sách

Bà Lê Nguyệt cho hay giống nhiều bạn cùng trang lứa, Nguyệt Linh vui vẻ, tự tin, tích cực tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Ngoài giờ học ở trường, con học nhảy, vẽ, đàn, nhiếp ảnh, bơi lội.

co be gui thu khong su dung bong bay anh 2
Nguyệt Linh tham gia nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC. 

Gia đình có cách giáo dục mở, mong muốn con được tiếp xúc những vấn đề lớn lao của cuộc sống, yêu thiên nhiên, môi trường, chứ không chỉ đơn thuần là học sao cho giỏi. Điều khiến bà Nguyệt cảm động hơn cả là bức thư trả lời của thầy Nguyễn Xuân Khang.

“Nguyệt Linh gọi thầy là ông nội. Cách thầy phản hồi lại thư khiến tôi thấy xúc động, khâm phục. Một môi trường giáo dục tôn trọng học sinh sẽ khiến con tự tin, phát triển tối đa năng lực và có tuổi thơ hạnh phúc”, người mẹ bày tỏ.

Tại trường Marie Curie, nhiều hoạt động thú vị về bảo vệ môi trường thúc đẩy Linh có suy nghĩ và hành động tích cực trong đời sống hàng ngày.

Kể về cuốn sách mình yêu thích nhất, Nguyệt Linh nói đó là “Bác sĩ Aibolit" của tác giả Korney Chukovsky. Cuốn sách nói về bác sĩ thú y giỏi cùng những chú thú cưng đến tận châu Phi chữa bệnh cho các loài động vật. Nữ sinh bảo nhìn hình ảnh bác sĩ nói chuyện với ngựa, khâu cánh cho cá, em tự nhủ mình hãy yêu quý động vật như con người.

Kính thưa Thầy/cô hiệu trưởng,

Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên lớp 6. Năm lớp 5, con là học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội.

Con biết là mỗi năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Theo những thông tin con tìm thấy được, bóng bay được làm từ cao su tự nhiên, latex, vải nylon... Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.

Vậy nên bây giờ, con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: THẢ BÓNG BAY LÊN TRỜI: BAY CAO ƯỚC MƠ CỦA CÁC HỌC SINH - GIẾT ƯỚC MƠ CỦA BAO CHÚ CHIM VÀ RÙA BIỂN.

Hiện nay, chúng con bắt đầu quan tâm các vấn đề liên quan môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.

Con xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Nguyệt Linh (Học sinh trường Marie Curie)

Cô bé lớp 6 viết thư đề nghị không thả bóng bay dịp khai giảng

"Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển, các chú rùa, loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt và chết", nữ sinh viết.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm