Tùng mến!
Cách đây không lâu, anh được mời làm nhạc cho clip quảng cáo (TVC) xe máy mới. Nội dung TVC thật cảm động. Một người cha tình cờ lật cuốn album hình cũ ra xem, nhớ da diết ba cậu con trai thời thơ ấu. Rồi một ngày, cả ba cậu con trai, giờ đã là ba chàng trai cao lớn, chạy ùa về thăm ngôi nhà xưa, nơi có bao ước mơ thời thơ ấu.
Người anh cả (Hồ Trung Dũng) giờ trở thành ca sĩ dòng nhạc thính phòng, người anh thứ hai (Phạm Anh Khoa) hiện là một ca sĩ nhạc rock. Riêng chàng trai nhỏ nhất trong ba anh em ngày nào (chính là Sơn Tùng), giờ là một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng.
Thật lòng, trong ba chàng trai ấy, anh có cảm tình với em nhất. Anh thầm nhủ: “Chà! Giá như mình có cậu em trai như thế nhỉ!”.
Sơn Tùng M-TP. |
Em trông rất bảnh trai, rất nghệ sĩ và thật thông minh. Ngay lúc ấy, mọi định kiến không tốt về em chợt tan biến. Thú thật là anh rất cảm tình với hình ảnh của em trong TVC ấy.
Tùng à!
Đúng mười năm trước (2004) anh cũng ở trong hoàn cảnh của em hiện nay, khi bài hát Ước gì của anh được mọi người rất yêu thích, dính phải nghi án “đạo nhạc”.
Nhớ lại tâm trạng lúc ấy, anh có thể hiểu và thông cảm được tâm trạng của em lúc này. Và quan trọng là những điều anh đang nói với em không phải với tư thế của một người phán xét, trù dập mà với vị trí của một người từng mắc sai lầm, đang chia sẻ với đàn em, với mong muốn thế hệ sau phải tốt hơn là thế hệ của anh.
Em có nhớ không? Khi chúng ta học tiểu học, cô giáo hay bắt chúng ta phải nắn nót chép lại những bài văn mẫu thật hay, sau đó ta mới được tự làm những bài văn của chính mình.
"Hãy từ bỏ thói quen viết nhạc dựa trên phần hoà âm phối khí của bài hát nước ngoài. Họ sẽ nghĩ gì về nền âm nhạc của chúng ta?
Người Việt tệ đến mức không thể tự bật ra cảm xúc từ trái tim mình, từ cuộc sống dân tộc mình mà phải nương nhờ vào phần nhạc đệm của họ?"
Từ những thẩm thấu một cách tự nhiện khi chép những đoạn văn hay, ta mới biết cách làm ra những bài văn.
Những bài văn ấy, có thể chúng thật ngô nghê, lộn xộn và vụng về, nhưng đó là tâm hồn của chúng ta, những đứa trẻ đang tập làm văn.
Lớn lên, khi bước chân tập tễnh vào thế giới âm nhạc, chúng ta lại chúi đầu vào lắng nghe những bản nhạc hay, những bản nhạc của thế giới,của những nhạc sĩ đàn cha chú đi trước. Anh thừa nhận là đã từng mê ABBA, Boney M, Beatles... hay Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến...
Không thể nào làm văn hay nếu hồi còn bé, chúng ta không nắn nót chép lại những áng văn mẫu. Và cũng không thể nào trở thành nhạc sĩ nếu chúng ta không nghe nhạc của những tiền bối.
Những bản nhạc đầu tay chắc chắn là sẽ “hao hao” giống một trong những thần tượng mà chúng ta hay nghe, những kiến thức mà chúng ta được học. Nhưng điều chắc chắn, nó xuất phát từ chính tâm hồn của chúng ta. Ngôi nhà chúng ta mới dựng, có thể ọp ẹp, nhưng chính ta là chủ nhân.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (phải). Ảnh: T.T.D. |
Ngay cả khi anh chính là người tự hoà âm phối khí, viết bài hát Ước gì chứ không phải vay mượn phần đệm nào khác của một bài hát nước ngoài, mà vẫn không thể nào giải thích cho khán giả đang ngờ vực Ước gì giống một bài nào đó.
Lúc ấy trong đầu anh chỉ tồn tại duy nhất một ý nghĩ: Anh phải chứng minh cho mọi người thấy rằng anh “không chỉ có một Ước gì”, anh còn làm được nhiều hơn thế.
Còn em thì sao? Chẳng lẽ cuộc sống chung quanh em không đủ cho em cảm xúc để em phải nương nhờ vào phần đệm của một bài hát nước ngoài?
Những Hương ngọc lan, Chuông gió, Đường xa vạn dặm, Bức thư tình đầu tiên… có bao giờ tự ti trước nhạc Âu Mỹ, nhạc Hàn không? Có bao giờ nương nhờ vào phần đệm của nhạc nước ngoài không? Bọn anh tự làm cả đấy!
Hãy chứng tỏ rằng Sơn Tùng không chỉ có Em của ngày hôm qua, mà còn có nhiều hơn nữa những tác phẩm ra đời bằng chính tâm hồn mình!
Hãy vứt bỏ và làm lại từ đầu,như anh đã từng vứt bỏ Ước gì để có một Chuông gió.
Anh tin ở em, mọi người tin ở em, hãy dũng cảm lên nhé Sơn Tùng.
Thương mến em!
Thói quen dựa vào phần đệm có sẵn của nhạc nước ngoài để viết giai điệu trên đó thật sự là cách làm không tốt. Nó nguy hiểm ở chỗ, cùng một phần đệm, người ta có thể sáng tác ra hàng trăm giai điệu.
Thật khó để kết luận là đạo nhạc, vì người ta chỉ chăm bẵm vào suy xét, so sánh giai điệu mà thật sự là các giai điệu sáng tác bằng kiểu ấy không hề giống giai điệu gốc.
Mọi dấu vết là phần đệm của bài hát bị xoá sạch. Cũng có trường hợp ngô nghê là cứ để nguyên phần đệm ca khúc nước ngoài nhưng giai điệu và ca từ thay đổi.
Vấn đề mấu chốt là lòng tự trọng của một nhạc sĩ, của một nền âm nhạc và của cả dân tộc. Có khi người ta không thèm kiện mình đâu nhưng người ta sẽ vô cùng xem thường cả một nền âm nhạc!
Và quan trọng nhất: Linh hồn và thể xác của mình là không thể tách rời!