Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Guinness xin lỗi

Vài tuần sau khi từ chối công nhận kỷ lục cho một tòa tháp cao 7,19 m làm bằng que diêm, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới xin lỗi và thừa nhận đã quá “nặng tay”.

Ông Richard Plaud đã dành 4.200 giờ trong hơn 8 năm để xây dựng mô hình Tháp Eiffel cao 7,19 m, theo NPR.

Vỡ mộng

Mỗi que diêm trong số 706.900 que diêm được kết dán trong mô hình kỳ công này đã đưa người đàn ông Pháp 47 tuổi tiến một bước gần hơn đến ước mơ của mình: Đạt được kỷ lục thế giới về xây dựng tác phẩm tạo tác bằng que diêm cao nhất.

Guinness anh 1

Richard Plaud đã dành 4.200 giờ trong hơn 8 năm để xây dựng mô hình Tháp Eiffel cao 7,19 m. Ảnh: Facebook Richard Plaud.

Nhưng vào cuối tháng 1, vài tuần sau khi ông hoàn thành mô hình Tháp Eiffel từ hơn 706.000 que diêm và 23 kg keo, các quan chức của Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (gọi tắt là Guinness) đã đưa “phán quyết” như sét đánh ngang tai: Tác phẩm bị loại vì không đúng loại que diêm.

“Điều đó khiến tôi tổn thương”, ông Plaud nói với TFI Info, một mạng truyền hình Pháp, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trong tuần này.

Richard Plaud là nhân viên làm việc trong hội đồng chính quyền địa phương. Ông cũng bày tỏ sự bất bình trên Facebook hồi tuần trước: "Các 'thẩm phán' của sách Kỷ lục Thế giới Guinness đã đưa ra phán quyết mà không thực sự nhìn thấy cách tôi làm. Vỡ mộng và thất vọng! Hãy giải thích cho tôi biết rằng 706.900 thanh được dán từng cái một không phải là que diêm? Và chúng bị cắt quá mức đến mức không thể nhận ra!".

Guinness đã sai lầm

Tuy nhiên, hôm 8/2, sau nhiều ngày nỗi thất vọng của ông Plaud nổi lên trang nhất nhiều tờ báo, Guinness đã đảo ngược quyết định, thừa nhận rằng họ đã mắc sai lầm. Ông Plaud đã được công nhận kỷ lục, Guinness làm rõ trong một tuyên bố, mặc dù ông dùng que diêm không có đầu dễ bắt lửa.

Mark McKinley, giám đốc của Guinness, cho biết hôm 9/2 rằng tổ chức này lấy làm tiếc về bất kỳ sự đau khổ nào đã gây ra cho ông Plaud trong thời gian lẽ ra phải là thời điểm ăn mừng.

Ông McKinley nói thêm trong một cuộc phỏng vấn rằng sau khi suy xét, Guinness đã “hơi nặng tay” với cách giải thích về loại que diêm.

Trong khi các quan chức Guinness ban đầu định nghĩa diêm là những mảnh gỗ có đầu dễ bắt lửa, tổ chức này sau đó nhận thấy rằng trong cộng đồng những người tạo tác bằng que diêm, việc cắt bỏ phần đầu dễ bắt lửa là thông lệ tiêu chuẩn để tránh gây cháy, ông McKinley nói.

“Nếu giữ lại phần đầu dễ bắt lửa thì sẽ khá nguy hiểm”, ông McKinley xác nhận.

Guinness anh 2

Guinness ban đầu nói rằng ông Plaud không sử dụng que diêm "có sẵn trên thị trường" và không công nhận kỷ lục, nhưng sau đó tổ chức này đã đảo ngược quyết định. Ảnh: Facebook Richard Plaud.

Guinness đã liên hệ với ông Plaud vào hôm 8/2 để thông báo ông đã lập kỷ lục nhưng chưa nhận được phản hồi, ông McKinley cho biết hôm 9/2, theo New York Times.

Ông Plaud, sống ở miền Tây nước Pháp, nói với Le Parisien rằng ông đã hoàn thành cấu trúc Tháp Eiffel, sử dụng 23 kg keo, vào ngày 27/12/2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất kỹ sư xây dựng người Pháp Gustave Eiffel - người tạo nên tháp Eiffel nổi tiếng thế giới ở Paris.

Người giữ kỷ lục trước đó là Toufic Daher, ở Lebanon - đã làm ra tháp Eiffel bằng que diêm cao 6,4 m vào năm 2009 với 6 triệu que diêm.

Guinness cho biết ban đầu tổ chức này đã loại ngọn tháp của Plaud do ông sử dụng que diêm được đặt hàng đặc biệt không có đầu dễ cháy. Theo tổ chức này, ông Plaud bắt đầu xây dựng mô hình bằng cách cạo bỏ đầu diêm lưu huỳnh - một quá trình tỉ mỉ - nhưng sau đó ông quyết định đẩy nhanh tốc độ xây dựng bằng cách đặt hàng các que diêm theo yêu cầu không có đầu diêm từ Flam'Up, một nhà sản xuất que diêm của Pháp.

Theo quy định được công bố của Guinness, các que diêm phải là sản phẩm có sẵn trên thị trường và không được cắt, tháo rời hoặc bóp méo đến mức không được công nhận là que diêm.

Ít nhất hai hạng mục que diêm khác cũng ghi nhận kỷ lục mới lần này, bao gồm bộ sưu tập nhạc cụ làm bằng que diêm lớn nhất và tác phẩm tạo tác bằng que diêm lớn nhất. Guinness cho biết hiện người chiến thắng hạng mục đầu tiên là Bohdan Senchukov ở Ukraine với bộ sưu tập gồm 14 nhạc cụ que diêm, trong đó có một cây đàn guitar làm từ 23.000 que diêm và phải mất hơn một năm mới hoàn thành. (Các nhạc cụ cũng được chế tác bằng cách sử dụng diêm không có đầu bắt lửa).

Danh hiệu công trình tạo tác bằng que diêm lớn nhất thuộc về David Reynolds, cân dân Anh, người đã dành 15 năm xây dựng giàn khai thác dầu ở Biển Bắc bằng que diêm.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Hạ Cúc

Bạn có thể quan tâm