Khi Satoshi Kirishima - một trong những kẻ trốn nã khét tiếng nhất Nhật Bản - đột ngột xuất hiện sau gần 50 năm ẩn dật - cả đất nước Mặt Trời mọc bị chấn động.
Nhưng sự kinh ngạc chưa dừng lại ở đó. Điều đáng chú ý là vài ngày sau khi người đàn ông 70 tuổi này lộ diện, cảnh sát đã bắt được một phần tử băng đảng yakuza có tên Shigeyuki Kin - chạy trốn 3 năm qua sau khi bắn chết thủ lĩnh một băng đảng, theo Straits Times.
Hiệu ứng khó ngờ
Các chuyên gia cho biết thông thường khi vụ án ngày càng để lâu, việc truy tìm những kẻ trốn nã sẽ khó khăn hơn do cuộc điều tra bị thu hẹp và mối quan tâm của xã hội nguội dần.
Tuy nhiên, sự chú ý mới dành cho “những tấm áp phích tội phạm bị truy nã gắt gao nhất” sau khi ông Kirishima lộ diện đã dẫn đến những tin báo ẩn danh, từ đó cảnh sát có thể bắt giữ Shigeyuki Kin, tội phạm bị truy nã vì tội bắn chết một thủ lĩnh băng đảng vào năm 2020.
Khi Satoshi Kirishima (phải) xuất hiện, nhân vật trong tấm hình bên trái vô tình cũng được công chúng để tâm. Ảnh: Kyodo. |
Kirishima bị truy nã vì các vụ đánh bom chết người ở Tokyo năm 1974-1975.
Sự xuất hiện bất ngờ của ông gây ra cơn sốt trên giới truyền thông. Tấm áp phích truy nã được tung ra rộng rãi trên các nền tảng truyền thông khác nhau, với bức ảnh đen trắng chụp người đàn ông này ở độ tuổi thanh niên đang mỉm cười với mái tóc ngang vai, và cặp kính dày gọng đen.
Sự "phủ sóng" rộng rãi trở lại của tấm áp phích trên truyền thông vô tình thu hút nhiều ánh mắt vào tấm mugshot của Shigeyuki Kin nằm cạnh ảnh của Kirishima trên thông báo của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia.
“Phản ứng xã hội rộng rãi (đối với sự xuất hiện của Kirishima) đã có tác động lớn”, cựu cảnh sát Yu Inamura nói với Straits Times hôm 8/2.
Một nguồn điều tra nói với phương tiện truyền thông trực tuyến AERA dot. rằng vụ bắt giữ Shigeyuki Kin "có liên quan chặt chẽ" với tin tức lan rộng về Kirishima. Nguồn tin cho biết thêm: "Phần lớn các nghi phạm bị truy nã đều bị bắt giữ thông qua tin báo của người dân”.
Trốn nã gần 50 năm, vẫn làm việc, đi bar giải trí
Chuỗi sự kiện bắt đầu từ ngày 25/1, khi một người đàn ông 70 tuổi tự xưng là Kirishima đến bệnh viện khám bệnh.
Bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối và biết rằng tất cả đã kết thúc, người đàn ông muốn chết dưới tên của chính mình chứ không phải cái tên giả mạo là Hiroshi Uchida. Ông qua đời bốn ngày sau đó và được hỏa táng hôm 7/2.
Ôtô chở thi hài của người đàn ông được cho là Satoshi Kirishima tại Fujisawa, tỉnh Kanagawa hôm 7/2. Ảnh: JIJI. |
Trong khi cảnh sát vẫn chưa chính thức xác nhận danh tính của người này, các xét nghiệm ADN cho thấy đây thực sự là Kirishima.
Giáo sư Koji Tabuchi của Đại học Kyushu, chuyên về luật tố tụng hình sự, nói với Straits Times rằng các cuộc điều tra vụ án kéo dài chưa được giải quyết thường bị thu hẹp, nhưng không bị đình chỉ hoàn toàn cho đến khi hết thời hiệu.
Thời hiệu ở Nhật Bản lên tới 30 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng, nhưng thời hiệu này có thể nới thêm, như trường hợp của Kirishima, vì một số nghi phạm vẫn đang chạy trốn ra nước ngoài.
“Tuy nhiên, khi một vụ án trở nên quá lâu, số lượng cảnh sát đảm nhiệm giảm đi và sự quan tâm chung của xã hội đối với vụ án cũng nguội dần. Vì vậy, việc thu thập thông tin cần thiết để tìm ra những tội phạm chạy trốn trở nên khó khăn hơn”, ông phân tích.
Đồng tình, ông Inamura, hiện đứng đầu cơ quan tư vấn của Hiệp hội Phản gián Nhật Bản, cho hay: “Theo thời gian, số lượng cuộc điều tra có thể thực hiện sẽ trở nên hạn chế khi nguồn nhân lực ban đầu bị cắt giảm”.
“Mặc dù cảnh sát thu thập thông tin kỹ lưỡng sau khi xảy ra vụ việc, việc liên tục duy trì nhịp độ và triển khai một số lượng lớn nhân sự cho các vụ án cũ sẽ là không thực tế nếu xét đến các khía cạnh như tính hiệu quả và nguồn lực hữu hạn”, ông nói thêm.
Dữ liệu chính thức cho thấy Nhật Bản có 260.980 cảnh sát, tính tới tháng 4/2023, trải rộng khắp 1.149 đồn cảnh sát và 11.300 trạm cảnh sát khác trên toàn quốc.
Những kẻ trốn nã cũng có xu hướng thoát khỏi tầm radar bằng cách đổi tên và cải trang, đồng thời cẩn trọng tối đa để không có mối quan hệ sâu sắc với những người xung quanh.
Thời gian trôi qua, họ sẽ trông ngày càng khác so với những bức ảnh chụp trên áp phích của cảnh sát. Kirishima là một trường hợp điển hình. Tại công ty nơi ông ta làm việc, một người quen biết nói với TV Asahi rằng ông đã "sụt cân rất nhiều" so với chân dung trên ảnh truy nã.
Bất chấp xã hội ngày càng số hóa và số lượng camera an ninh ngày càng tăng, Inamura cho rằng ông không tin rằng sẽ không thể sống mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Ông lưu ý: “Một người có thể có một cuộc sống xã hội bình thường, đồng thời tránh triệt để các tình huống yêu cầu họ phải xuất trình giấy tờ tùy thân”.
Trong trường hợp của Kirishima, trong khi tìm cách điều trị y tế, ông ta đã tự bỏ tiền túi chi trả mà không cần dựa vào bảo hiểm y tế công vốn cần có giấy tờ tùy thân.
Ông ta cũng từng làm công nhân xây dựng trong nhiều thập kỷ cho một công ty đã cẩu thả trong việc kiểm tra danh tính và trả lương bằng tiền mặt.
Diện mạo Satoshi Kirishima đã thay đổi khá nhiều qua thời gian. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Mặc dù Kirishima cẩn thận để không bị chụp ảnh và vạch ra ranh giới trong các mối quan hệ, nói rõ ràng với người quen rằng ông "không phải là kiểu người khiến người khác hạnh phúc", nhưng ông vẫn có một đời sống xã hội lành mạnh.
Ông thường xuyên đến quán bar gần nhà ở Fujisawa, cách Tokyo khoảng một tiếng rưỡi lái xe về phía nam. Ở đó, mọi người gọi ông một cách trìu mến là Ucchi, và biết ông thích nhạc sống.
“Việc ông ấy có thể sống gần 50 năm dưới một danh tính khác có thể là dấu hiệu cho thấy cuộc sống ở khu vực thành thị ngày càng trở nên vô danh”, tiến sĩ Tabuchi nêu quan điểm.
“Người Nhật nói chung luôn giữ bí mật và không tò mò về cuộc sống của người khác”.
Về phần Kin, nghi phạm này được cho là đã dựa vào các mối liên hệ với yakuza của mình để thoát thân.
Trong khi bị truy nã vì vụ xả súng ở tỉnh Nagano vào tháng 9/2020, Kin bị bắt tại một căn hộ ở Sendai, cách đó 7 giờ lái xe, vào ngày 1/2 vừa qua, trong một cuộc đột kích trong đêm. Nghi phạm không chống cự khi bị bắt giữ.
Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Yasuhiro Tsuyuki tuyên bố tại cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ không ngừng điều tra và tìm kiếm những tội phạm trốn nã”, đồng thời nhấn mạnh rằng không có chi tiết nào là quá nhỏ và kêu gọi người dân trình báo ngay cả những nghi ngờ nhỏ nhất.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.