H&M không những nổi tiếng vì dòng sản phẩm hợp thời trang, giá bình dân, mà còn là đại diện tiêu biểu cho các nhãn hàng "thời trang nhanh" bên cạnh Zara, Forever21. Dù vậy, ở nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, H&M cũng là cái tên gây xôn xao dư luận bởi một số vụ việc tai tiếng.
Áo hoodie có dòng chữ gây tranh cãi
Năm 2018, H&M từng lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo cho dòng áo hoodie có dòng chữ gây tranh cãi. Theo đó, item màu xanh lá đậm được in chữ "Coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: Con khỉ ngầu nhất rừng).
Tuy nhiên, mẫu nhí diện thiết kế này lại là người da đen, trong khi sản phẩm cùng dòng có chữ "Jungle survivor" (tạm dịch: Sống sót ra khỏi rừng) thì được một cậu bé da trắng mặc.
Chiếc áo hoodie có dòng chữ gây tranh cãi của H&M buộc hãng phải công khai xin lỗi. Ảnh: Guim. |
Nhà mốt Thuỵ Điển sau đó phải công khai xin lỗi khách hàng bằng lời giải thích: "Chúng tôi đã phạm lỗi và chúng tôi đồng ý rằng ngay cả khi vô tình hay trong tình thế bị động, sự kỳ thị chủng tộc nói chung cần bị loại trừ ở mọi nơi".
Thương hiệu thời trang bình dân cũng bổ nhiệm một vị trí lần đầu tiên xuất hiện trong công ty - lãnh đạo toàn cầu về đa dạng và hội nhập - cho một luật sư người Mỹ gốc Đài Loan có tên Annie Wu. Vai trò của cô là đối diện với truyền thông, giải thích về những thiếu sót của hãng.
Quần áo trẻ em dễ bắt lửa
Tháng 4 vừa qua, H&M thực hiện đợt thu hồi đầu tiên trong năm với 980 bộ áo choàng tắm trẻ em. Các sản phẩm bị ngưng bán do vi phạm tiêu chuẩn về an toàn.
Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (U.S. Consumer Product Safety Commission) cho rằng mẫu này được làm ra không đạt tiêu chuẩn và không được phép tiếp tục kinh doanh.
Hai loại pyjama bị H&M thu hồi được làm bằng chất liệu dễ bắt cháy. Ảnh: Sina. |
Tháng 8 năm nay, nhà mốt Thuỵ Điển tiếp tục thực hiện đợt thu hồi thứ hai với 9.000 bộ pyjama lỗi. Khách hàng sau đó được bồi thường, tặng kèm phiếu quà tặng nếu đã mua hàng.
Bị xử phạt hành chính 9 lần tại Trung Quốc
Mặc dù có sức ảnh hưởng cao trên toàn thế giới, H&M lại là nhà mốt thường xuyên bị xử phạt hành chính. Những lỗi vi phạm hãng này mắc phải bao gồm lỗi từ quá trình sản xuất, vận hành cho đến việc pha tạp chất liệu trong các sản phẩm quần áo dẫn đến đầu ra kém chất lượng.
Thương hiệu thời trang bình dân cũng nhiều lần chịu phạt tại Trung Quốc do những báo cáo không trùng khớp với số lượng bán ra.
H&M Trung Quốc đối mặt nhiều lần bị xử phạt hành chính vì chất lượng sản phẩm. Ảnh: China Business Blog. |
Ở quốc gia tỷ dân, áo choàng trùm đầu, giày dép trẻ em, áo dệt kim từng bị thu hồi do không đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
H&M cũng có hình ảnh không tốt trong mắt người dân Trung Quốc vì sử dụng nhân công rẻ mạt ở 21 quốc gia trên thế giới nhằm tiết kiệm tối đa phí sản xuất. Lợi nhuận công ty theo báo Sina, tính đến năm 2019, duy trì ở mức 53%.
Với hơn 4.300 cửa hàng trên toàn thế giới, H&M là một trong những nhà mốt lớn và có sức ảnh hưởng nhất làng thời trang. Thương hiệu này cũng là "ông lớn" với một đội ngũ gồm 120.000 nhân viên trên 71 thị trường khác nhau.
Trong nhiều năm, công ty vừa tiên phong cho ngành thời trang xa xỉ qua những lần hợp tác cùng Versace, Balmain và Moschino, vừa định vị chính mình là một trong số ít nhà mốt có quy mô, ảnh hưởng toàn cầu.