Học sinh chỉ được dùng điện thoại di động trong giờ học nếu giáo viên cho phép. Ảnh: Thế Bằng. |
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các trưởng Phòng GD&ĐT, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các trường trực thuộc yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường.
Cụ thể, sở cho biết qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường tại thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.
Cụ thể, Thông tư số 32 năm 2020 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Công văn số 5512 của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó nêu không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập.
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
Tùy vào điều kiện thực tế, ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.
Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép thì học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.
Đối với học sinh, sở yêu cầu các em thực hiện nghiêm túc quy định không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị phụ huynh học sinh đồng hành cùng nhà trường, thầy giáo, cô giáo; động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định tại nhà trường, lớp học.
Trước đó, nhiều trường tại TP.HCM cũng cấm học sinh dùng điện thoại di động trong khuôn viên trường học, kể cả giờ ra chơi như trường THPT Thạnh Lộc; THPT Trường Chinh...
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.