Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại

Năm nay khu vực phía Bắc ghi nhận 15 trường hợp mắc bệnh dại ở người, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội.

Nguy cơ bùng phát bệnh dại ở người tại Hà Nội và các khu vực lân cận là rất lớn. Ảnh: VOV.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội vừa có Công văn số 2453/KSBT-PCBTN về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, gửi trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu rõ theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến 23/10, cả nước ghi nhận 51 trường hợp mắc bệnh dại, tăng so với cùng kỳ 2021 (42 ca) và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận 15 trường hợp (chiếm 29,4% tổng cả nước) tại 11 tỉnh, thành phố.

Hà Nội năm nay đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh, tăng so với năm 2021 (một trường hợp). Nguyên nhân trực tiếp là do người bị động vật có khả năng bị dại cắn hoặc giết mổ động vật không mang đồ bảo hộ và không tiêm phòng vaccine.

Trước tình hình trên, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại Hà Nội và các khu vực lân cận là rất lớn. Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại 2022-2030.

Căn cứ Công văn số 5396/BYT-DP ngày 29/9 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh dại, CDC Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, cáo liếm vùng da tổn thương, niêm mạc hoặc giết mổ chó không có trang bị bảo hộ.

Ngoài ra, các đơn vị nên tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine kịp thời; các điểm tiêm thực hiện tư vấn, chỉ định tiêm phòng theo đúng Quyết định 1622/QĐ-BYT và thống kê báo cáo đầy đủ đúng biểu mẫu.

Đồng thời, việc đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật là cần thiết. Đặc biệt, các đơn vị nên chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Các cơ quan cần tăng cường phối hợp với lực lượng thú y địa phương để tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, nhằm chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.

Phát hiện mới về tác dụng phụ sau tiêm vaccine Covid-19

Theo nghiên cứu mới, những người gặp phải các phản ứng phụ với vaccine Pfizer và Moderna như sốt, ớn lạnh hoặc đau cơ có xu hướng tạo ra nhiều kháng thể hơn.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm