Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành công văn về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm gửi các đơn vị liên quan.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện quan điểm và mục tiêu theo chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (bao gồm phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm vaccine phòng Covid-19).
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Sở khẳng định vaccine phòng Covid-19 là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19 để đẩy mạnh việc tiêm vaccine và hoàn thành sớm nhất mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố.
Các đơn vị liên tục rà soát, tổng hợp đối tượng cần tiêm theo từng nhóm đối tượng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng, thực hiện dự trù nhu cầu sử dụng vaccine sát nhất với thực tế và theo dõi chính xác tỷ lệ bao phủ vaccine trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sở chỉ đạo tăng cường giám sát dịch, giám sát có trọng điểm; rà soát, thống kê các trường hợp mắc Covid-19, báo cáo lên hệ thống quản lý mã ca bệnh và hệ thống báo cáo kịp thời theo quy định để làm cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống kịp thời, phù hợp.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống Covid-19, trong đó đặc biệt là tiêm vaccine phòng Covid-19; chú trọng truyền thông, vận động người dân hưởng ứng, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó ưu tiên công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em (mũi cơ bản, nhắc lại) và mũi nhắc lại đối với người từ 18 tuổi trở lên.
Về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; tăng cường tập huấn công tác giám sát, phòng, chống dịch và chẩn đoán điều trị bệnh nhân.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đánh giá quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy tại địa phương. Ảnh: Nhã Khanh. |
Tổ chức giám sát, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch và triển khai các hoạt động đáp ứng kịp thời, hiệu quả; tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu đặc biệt đối với những bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.
Tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện Đề án phòng chống sốt xuất huyết để triển khai thực hiện hiệu quả tại các địa phương.
Tổ chức tốt chẩn đoán, phân luồng, phân tuyến, quản lý, tiếp nhận, điều trị, chuyển tuyến người mắc bệnh truyền nhiễm; hạn chế tới mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.
Rà soát, có kế hoạch bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo đáp ứng đầy đủ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh không có thuốc điều trị; kịp thời báo cáo, tham mưu sở y tế, UBND các quận, huyện, thị xã khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để được giải quyết, hướng dẫn.
Duy trì hoạt động của “nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…
Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị chủ động truyền thông phòng, chống dịch, xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, vai trò to lớn đối với kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.