Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội gia tăng bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh. Dù đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng số lượng bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng ở Hà Nội.

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, tính đến ngày 25/6, thành phố Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Số bệnh nhân mắc gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca bệnh.

viem nao Nhat Ban anh 1
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh. Ảnh: Vietnamnet.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời ông yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định; hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật Bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện thị xã.

Về vắc xin phòng bệnh, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, từ năm 2015, vắc xin viêm não Nhật Bản chính thức được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hàng tháng.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cần tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mũi 1 - lúc trẻ đủ 1 tuổi

Mũi 2 - sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

Mũi 3 - sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Trong trường hợp trẻ trên 5 tuổi chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, trẻ cũng sẽ được tiêm với 3 liều cơ bản:

Mũi 1 - càng sớm càng tốt

Mũi 2 - sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

Mũi 3 - sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Để phòng chống bệnh viêm não do virus, người dân cần:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Theo Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế

 

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm