Một số bệnh viện đã bắt đầu ghi nhận rải rác các ca mắc. Mới đây nhất, khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân 15 tuổi đến từ Hà Tĩnh, nhập viện trong tình trạng mất ý thức, ngưng thở, huyết áp bất thường. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Sau hai ngày được điều trị tích cực, trẻ đã được cứu sống tuy nhiên phải chịu di chứng não nặng nề.
Trước đó, tại BV Nhi Trung ương và BV của tỉnh Thanh Hóa cũng báo cáo từ đầu năm đã phát hiện hai ca mắc viêm não Nhật Bản.
Các chuyên gia y tế cho biết tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó phổ biến ở lứa tuổi từ 1-5.
Những người chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. |
Bệnh do muỗi truyền, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn, nôn, trẻ mê sảng hoặc li bì, co giật...
Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh như trên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm phòng đủ liều. Vaccine này đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ.
Nếu trẻ chỉ được tiêm một mũi vaccine này thì sẽ không có hiệu lực phòng bệnh; tiêm đủ hai mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ ba mũi, hiệu lực bảo vệ đạt 90%-95% trong khoảng ba năm.