Những hàng ghế phía ngoài khu vực cấp cứu, dưới bóng cây và mái che của bệnh viện được người nhà bệnh nhân lựa chọn làm chỗ nghỉ. Ảnh: Phương Anh. |
Một tuần gần đây, Hà Nội duy trì thời tiết nắng nóng. Dự báo thành phố tiếp diễn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao đến 38 độ C, có nơi trên mức này.
Tới 4/6, nắng nóng giảm nhưng vẫn ở mức 37 độ C. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, người dân phải vạ vật giữa trời nắng nóng để chờ đợi khám, chữa bệnh.
"Vật vã" với nắng nóng
Chị Đinh Thị Doan (41 tuổi, trú tại Lý Nhân, Hà Nam) phải thức dậy từ 4h để đưa mẹ là bà Nguyễn Thị Hạt (81 tuổi) đến Bệnh viện Bạch Mai khám. 6h, hai mẹ con chị Doan đã có mặt ở viện để xếp hàng chờ khám nhưng thời tiết đã bắt đầu oi bức.
"Mẹ tôi bị tiểu đường, suy thận đã 6 năm. Thời tiết nóng bức và nhiều bệnh nền khiến bà mệt mỏi, ăn uống kém hơn. Tôi sợ bệnh của bà nặng hơn nên đưa đi khám", chị Doan nói.
Gần 10h, bà Hạt đã khám xong và chờ kết quả. Dù ngồi dưới bóng cây và dùng quạt giấy, bà vẫn liên tục đổ mồ hôi. Áo bà ướt đẫm mồ hôi và da nóng rát do nắng phả vào. Hai mẹ con nóng lòng chờ nhận kết quả để về quê. Họ liên tục chia sẻ về việc nắng nóng đang thực sự khiến họ sợ hãi và mệt mỏi.
Bà Trần Hải Minh đưa mẹ đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Anh. |
Bà Trần Hải Minh (trú tại Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đưa mẹ già 81 tuổi đến cơ sở y tế này khám định kỳ do bệnh lý tim mạch. Nắng nóng và cơ thể thừa cân khiến mẹ của bà Minh khó di chuyển, phải ngồi xe lăn.
"Nhiệt độ tăng cao nên những ngày này, tôi chỉ cho mẹ ở trong nhà, sử dụng điều hòa liên tục, uống nhiều nước và ăn trái cây. Chỉ đi khám bệnh trong một buổi sáng dưới thời tiết nắng nóng, cả tôi và mẹ đều thấy rất khó chịu, đau đầu", bà Minh cho hay.
Ngay sau khi khám xong, bà Minh nhanh chóng gọi taxi đưa mẹ về để tránh tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.
Làm thợ xây nhiều năm vốn đã quen với thời tiết mùa hè, ông Nguyễn Quang Tư (61 tuổi, trú tại Hà Nam) vẫn bị sốc với nắng nóng ở Hà Nội sau gần 3 tuần chăm sóc vợ điều trị tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
"Buổi sáng, khi các bác sĩ đi thăm khám, người nhà phải ra phía ngoài ngồi đợi. Việc trông nom cũng vất vả hơn vì thời tiết quá oi bức. Cái nóng ở thành phố dường như khó chịu hơn ở nông thôn. Tôi thấy rất bí bách, ngột ngạt dù không phải làm việc nặng như ở nhà. Để tránh nắng, tôi thường tìm bóng cây râm mát để ngồi, uống nhiều nước", ông Tư tâm sự.
Người nhà bệnh nhân tìm mọi chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi. Ảnh: Phương Anh. |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều bệnh nhân và người nhà chật vật dưới nắng nóng gay gắt. Họ ngồi tập trung dưới gốc cây để tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi. Chỗ có bóng râm đều được tận dụng để ngồi tránh nắng.
Gần trưa nhưng số lượng bệnh nhân chờ khám tại cơ sở y tế này còn khá đông. Bệnh viện đã cố gắng bố trí giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nhanh chóng, trở về trong ngày.
Đồng thời, tại các khu ngồi chờ khám, ngồi nghỉ, đơn vị này cũng bố trí nhiều quạt trần, mái che, phun hơi nước để giảm bớt ảnh hưởng của nắng nóng. Quanh bệnh viện, nhiều cây nước miễn phí cũng được chuẩn bị.
Đối phó với nắng nóng
Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài có thể làm cơ thể bị mất nước nhanh chóng thông qua mồ hôi và hơi thở. Nếu không uống đủ nước và duy trì cân bằng điện giải, cơ thể mất đi năng lượng và các chất dinh dưỡng quan trọng. Điều này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng đối phó bệnh truyền nhiễm.
Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể tiết ra mồ hôi để làm mát. Tuy nhiên, không giữ vệ sinh cá nhân tốt và cơ thể ẩm ướt quá lâu, vi khuẩn và nấm mốc có thể phát triển nhanh chóng trên da, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng, viêm, nhiễm khuẩn ngoài da. Đặc biệt, đây có thể là nguyên nhân gây viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ nhỏ, người già.
Người dân đến chờ khám và lấy thuốc tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Anh. |
Nhiệt độ tăng cao cũng có thể làm tăng nguy cơ cho các vấn đề tim mạch như suy tim, đau ngực, nhồi máu cơ tim. Nhiệt độ cao kéo dài và tác động của ánh nắng mặt trời có thể gây căng thẳng, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Điều này rất nguy hiểm đối với những người già và trường hợp có tiền sử bệnh tim mạch.
Để chủ động phòng tránh tác hại do thời tiết nắng nóng gây ra, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân:
- Mặc đồ nhẹ, rộng để dễ toát mồ hôi. Ra đường, người dân cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.
- Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa, người dân nên để nhiệt độ 28-29 độ C, hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng hoặc ngược lại.
- Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.
- Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có ga bởi chúng chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Lý tưởng nhất là chọn các loại nước như: Nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…
- Những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
- Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, người dân cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11h đến 15h vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.