Thống kê tại hội thảo Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức) cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ riêng tại Hà Nội đã phát hiện gần 16.000 cơ sở (trên tổng số 90.000 lượt cơ sở) vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP).
Tổng số tiền xử phạt trên 24 tỷ đồng. Trong đó, 3 vụ đã được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Hà Nội có số dân khoảng 7,4 triệu người, và thường xuyên có hơn 2 triệu người ngoại tỉnh đến công tác, học tập, lao động, du lịch... Để đáp ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800.000 kg - 1.000 tấn thịt các loại, 2.500-3.000 tấn rau quả, 350-400 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến...
Do đó việc đảm bảo vệ sinh ATTP là điều hết sức quan trọng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp tới.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền phát biểu. Ảnh: Thanh Hải. |
Từ năm 2013, TP Hà Nội đã triển khai đề án Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã giai đoạn 2013-2015.
Từ cuối năm 2015, thành phố đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành tại 5 quận, huyện. Sau thời gian triển khai, bước đầu lực lượng thanh tra chuyên ngành đã phát huy hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn.
Ông Trần Thanh Long - Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm - cho biết quận đã thành lập 2 đường dây nóng cấp quận và tại 10 phường, để người dân phản ánh về việc mất vệ sinh ATTP.
Đồng thời, quận xây dựng 11 trạm kiểm tra xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ thuộc 7 phường, gồm có 10 loại xét nghiệm, trong đó đưa vào xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ.
Trong kiểm tra, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép quận sẽ yêu cầu tiêu hủy, không để sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Còn ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cũng cho biết ngành y tế đã trang bị bộ test xét nghiệm nhanh ATTP cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, và 584 trạm y tế. Ngành Nông nghiệp trang bị xe lưu động xét nghiệm nhanh nông thủy sản. Các đội quản lý thị trường được trang bị xét nghiệm nhanh ATTP.
Ông Hiền nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương và trách nhiệm của các ngành đã có nhiều cố gắng, tích cực và đạt được một số kết quả nhất định.
“Trong kỳ họp thứ ba của HĐND TP Hà Nội sẽ có một phần chất vấn về vấn ATTP. Chúng tôi xin tổng kết và báo cáo đầy đủ các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia buổi hội thảo này”, ông Hiền nói.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó chánh thanh tra Bộ Y tế - trong thời gian tới, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra ATTP để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.