Ngày 19/12, UBND thành phố Hà Nội cho biết đã ban hành công văn yêu cầu những đơn vị liên quan tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý địa bàn, chỉ đạo tuyên truyền, quản lý, giáo dục học sinh.
“Có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ việc học sinh tổ chức gây gổ, đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của hàng quán, tụ điểm vui chơi giải trí, dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến... có biểu hiện gây mất an ninh, trật tự ở khu vực cổng trường”, công văn nêu.
Số liệu thống kê năm 2015 của tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan Internationnal) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW). Đồ họa: Phượng Nguyễn.
|
UBND thành phố Hà Nội cũng giao sở GD&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc thực hiện hiệu quả đề án và kế hoạch của thành phố về “Tăng cường công tác lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp tăng cường nguồn lực để ngành giáo dục thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh.
“Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể từng tháng, học kỳ và năm học về phòng chống bạo lực học đường để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện, nâng cao nhận thức, ý thức cũng như phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác, xử lý kịp thời đối với các hành vi bạo lực”, trích công văn của UBND thành phố Hà Nội.
Định kỳ kết thúc học kỳ I và hết năm học hoặc đột xuất (nếu có), Sở GD&ĐT Hà Nội phải báo cáo công tác phòng chống bạo lực học đường, đề xuất biện pháp thực hiện gửi UBND thành phố và Bộ GD&ĐT xem xét, chỉ đạo kịp thời, đúng thẩm quyền.
> Chủ đề: Trẻ mầm non bị bạo hành |