Sáng 30/8, HĐXX tập trung phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC.
Thu 70 tỷ quá dễ, không cần ký hàng trăm hợp đồng
Khai báo về nội dung này, Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank) cho hay ông chủ trương thành lập Công ty BSC từ đầu 2008. Suốt năm đó công ty này chưa hoạt động nên ông nhờ thư ký của mình là Hoàng Thị Hồng Tứ (sinh năm 1983) đứng tên. Tới tháng 4/2009, BSC bắt đầu hoạt động với các dịch vụ tín dụng.
"Bị cáo làm việc ở Oceanbank, khi đi vay tiền ngân hàng khác phải có công ty làm dịch vụ trung gian cho các hoạt động tín dụng về kinh doanh bất động sản, thẩm định giá", Thắm trình bày.
Theo cựu Chủ tịch Oceanbank, những tổ chức cá nhân vay tiền nếu gặp khiếm khuyết gì về thủ tục sẽ qua BSC làm cho chặt chẽ hơn.
Bị cáo Hà Văn Thắm được dẫn giải đến tòa sáng 30/8. Ảnh: Việt Hùng. |
HĐXX chất vấn khoản vay 500 tỷ của Trung Dung sao không đưa BSC vào, bị cáo nhận thức được các khiếm khuyết không?. Thắm trả lời: "Bị cáo nhận thức nếu đưa BSC vào cũng không khắc phục được những khiếm khuyết đó".
Người từng đứng đầu ngân hàng Oceanbank mong muốn HĐXX xem xét về các khoản thu phí của BSC bởi trong 700 khách hàng của công ty có nhiều người là bạn bè của mình và ông không thấy họ có ý kiến gì về các khoản thu.
Thắm cho rằng ở vị trí của mình, nếu muốn thu 70 tỷ đồng chỉ cần một đến hai khách hàng lớn. "Tôi cho ông vay 500-700 tỷ, ông trích lại cho tôi 50-70 tỷ là xong ngay, không cần phiền ai cả, không cần làm mấy trăm hợp đồng tốn chi phí. Trong cáo trạng có nêu Công ty BSC thu về 69 tỷ, tuy nhiên không phải thu hết chỗ đó mà còn phải chi thuế nữa", bị cáo phân trần.
Theo Thắm, Công ty BSC thường mua tài sản của khách hàng rồi vay tiền của Oceanbank để hoạt động tín dụng. Bước tiếp theo, BSC sẽ bán lại cho các tổ chức, cá nhân do khách chỉ định. "Số tiền đó sau đó được BSC trả lại cho ngân hàng", cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank trình bày.
"Bị cáo buồn vì cáo trạng ghi mình giúp sức cho anh Sơn"
Việc VKSND Tối cao chuyển tội danh từ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, sang Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Thắm nói tha thiết mong HĐXX TAND Hà Nội xem xét lại.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong sân tòa ngày xét xử thứ 3. Ảnh: Việt Hùng. |
“Bị cáo nghĩ vì lý do gì đó anh Nguyễn Xuân Sơn khai không đúng sự thật về hành vi cố ý làm trái. Bị cáo chỉ đưa tiền cho anh Sơn để chăm sóc khách hàng chứ không phải đưa rồi tìm cách chiếm dụng. Việc anh Sơn chiếm đoạt nếu có thì là hành động phát sinh thêm của anh Sơn. Bị cáo buồn vì cáo trạng ghi mình giúp sức cho anh Sơn", Thắm khai.
Cựu chủ tịch Oceanbank nói thời điểm 2009 sức khỏe bản thân bình thường. Do đó không thể hồ đồ giúp người khác chiếm đoạt tiền của mình được.
Lý giải về chủ trương chi tiền chăm sóc khách hàng, Thắm cho rằng việc này nhằm giữ thanh khoản cho ngân hàng Oceanbank. “Họ là các khách hàng tiềm năng của Oceanbank. Đó là các công ty mẹ và công ty con của Tập đoàn dầu khí", bị cáo 45 tuổi trình bày và cho hay cao điểm công ty con của Tập đoàn dầu khí gửi chừng 20.000 tỷ đồng, vượt hơn 50% lượng huy động vốn của Oceanbank.
Thắm nói tiếp: “Như bị cáo đã trình bày trong phiên xử trước, thời điểm ấy thị trường tài chính căng thẳng nên bị cáo có giao tiền cho anh Sơn chi chăm sóc khách hàng, không có chuyện Sơn được hưởng gì từ khoản đó".
Nghe vậy, tòa hỏi: "Bị cáo có biết Sơn chi chăm sóc khách hàng cho ai không?".
Trả lời câu hỏi của HĐXX, Hà Văn Thắm nói Sơn là tổng giám đốc, phụ trách vốn nên cần phải tin, không thể đi soi từng tí. "Bị cáo chi cho anh Sơn đi chăm sóc khách hàng của tập đoàn dầu khí và các khách hàng khác. Bị cáo tuyệt đối không tham gia chăm sóc khách hàng để chiếm đoạt tiền", bị cáo sinh năm 1972 khẳng định.
Theo ghi nhận của Zing.vn, lúc 9h45, sau chừng 10 phút nghỉ giải lao, Hà Văn Thắm tiếp tục được thẩm vấn. Thắm khai nhận mình là người đề ra chủ trương thu phí mà không bàn bạc với Nguyễn Xuân Sơn. Dù không bàn bạc với nhau nhưng Thắm cho rằng Sơn có biết về sự việc trên.
“Khoản được thu phí từ Công ty BSC, bị cáo không nói với anh Sơn. Khi đưa tiền cho anh ấy, bị cáo nói đây là tiền chi chăm sóc khách hàng, anh Sơn có biết vì có phiếu chi. Nội dung phiếu ghi là chi cho anh Sơn, đây có thể coi là mục đích chưa rõ ràng thôi”, Thắm nói.
Về vai trò đồng phạm giúp sức trong tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cùng Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, Hà Văn Thắm xin HĐXX xem xét miễn cho mình. Bị cáo cho rằng hành vi của mình chỉ là đưa tiền chi chăm sóc khách hàng, chứ không phải giúp sức cho Sơn chiếm đoạt. “Bị cáo bị truy tố hơi oan uổng”, Thắm nói.
Trước lời khai này, HĐXX nói: "Các bị cáo khai như nào thuộc về ý chí chủ quan của các bị cáo. Tòa còn căn cứ vào tài liệu hồ sơ có trong vụ án". Lúc đó, Thắm chỉ đáp: "Vâng ạ".
Trong buổi sáng xét xử ngày thứ 3, HĐXX đã công bố lời khai của Thắm tại cơ quan điều tra cho thấy, cựu chủ tịch Oceanbank có bàn bạc với Sơn cho việc chi chăm sóc khách hàng.
Nguyễn Xuân Sơn "bác" lời khai Hà Văn Thắm
Gần 11h, sau khi nghe lời khai của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank) cũng các bị cáo liên quan về số tiền 69 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) được tòa gọi xét hỏi. Ông nói làm việc tại ngân hàng từ năm 2009 - thời điểm Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank.
Ông Sơn nói lúc đầu chỉ biết Công ty BSC như một khách hàng và doanh nghiệp này có hoạt động vay vốn của Oceanbank, cho tới mãi sau mới hay công ty do Thắm thành lập.
Bị cáo Phạm Công Danh đến tòa sáng 30/8. Ảnh: Việt Hùng. |
“Bị cáo vừa nghe lời khai các bị cáo khác về khoản tiền BSC chuyển cho mình, tổng cộng hơn 69 tỷ đồng”. Bị cáo nghĩ gì? - chủ tọa phiên tòa hỏi.
Nguyễn Xuân Sơn khai từ khi làm Tổng giám đốc Oceanbank đã được Hà Văn Thắm chia sẻ rằng cần chi tiền chăm sóc khách hàng. “Những lúc chủ tịch cần chi ân khách hàng bằng tiền của chủ tịch tôi sẽ làm hết sức mình, bằng tất cả niềm tin cho ngân hàng phát triển", Sơn nói và khẳng định chi chăm sóc không liên quan gì đến việc góp vốn của PVN.
“Bị cáo chỉ biết tiền đó của Thắm, không biết tiền BSC hay của ai", Sơn nhắc đi nhắc lại chi tiết này.
Trong phần trình bày gần 30 phút của mình, Sơn liên tục xin uống nước vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Bị cáo trả lời quanh co nhiều câu hỏi của HĐXX nên liên tục bị vị chủ tọa cắt ngang.
Chủ tọa nhắc nhở. “Bị cáo làm gì, làm ra sao phải nhớ. Bị cáo cần thừa nhận những gì mình đã làm. HĐXX sẽ cho bị cáo suy nghĩ và trình bày lại về những khoản tiền mình đã nhận như những người liên quan đã trình bày từ trước”, Chủ tọa Trần Nam Hà nói.
Tiếp lời vị chủ tọa, thẩm phán tham gia xét hỏi: Sáng nay, HĐXX đã công bố lời khai của bị cáo Thắm xác định việc chuyển tiền cho Sơn là có sự thỏa thuận trước với Sơn. Giữa bị cáo và bị cáo Thắm trước đây và ngày hôm nay có mâu thuẫn gì với nhau không”. Sơn đáp: “Không có”.
Không có mâu thuẫn gì, tại sao Thắm tự nhiên lại ăn không nói có thế - vị thẩm phán hỏi. Sơn suy nghĩ rồi đáp: Có thể do hoàn cảnh, bị cáo không rõ.
11h45, HĐXX tuyên tạm dừng tòa và chiều trở lại với phần xét hỏi Nguyễn Xuân Sơn.
- Tháng 2/2017, TAND Hà Nội đưa 47 bị cáo ra xét xử 3 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.
- Tháng 7/2017, VKSND ra bản cáo trạng mới. Lần này có thêm 4 người vướng vòng lao lý. Trong đó, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản.
- Ngày 28/8, tại phiên xử sơ thẩm lần 2 tại Hà Nội, có 48 bị cáo có mặt, 3 người vắng mặt.