Trước khi phiên phúc thẩm được mở, 5 bị cáo liên quan đại án Oceanbank bất ngờ rút kháng cáo. Luật sư Nguyễn Phương Nam nói tâm trạng của thân chủ bà là Hà Văn Thắm khá thoải mái.
Tiếp xúc thân chủ trước phiên xử phúc thẩm, nữ luật sư Nguyễn Phương Nam nói tâm trạng của Hà Văn Thắm khá thoải mái. Cựu Chủ tịch Oceanbank đặc biệt quan tâm đến cáo buộc ông ta là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) trong việc chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Đại Dương và Tập đoàn Dầu khí.
Luật sư Nam nói thân chủ của bà không nghĩ rằng hành vi “vượt rào” để huy động vốn lại bị quy kết đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn về tội Tham ô, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. "Bị cáo không phải chủ thể của tội tham nhũng", Thắm từng nói tại tòa sơ thẩm.
Trong đơn kháng cáo viết tay dài 9 trang sau phiên sơ thẩm, Hà Văn Thắm xin chấp hành bản án sơ thẩm về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên chung thân ở phiên sơ thẩm đã đưa ra các luận cứ chứng minh bản thân không đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn để chiếm đoạt tài sản.
Thắm nêu hồ sơ vụ án thể hiện ông không bàn bạc, đồng ý cho Sơn chiếm đoạt tiền chi chăm sóc khách hàng cho Tập đoàn Dầu khí. Hành vi chi lãi suất vượt trần của cựu Chủ tịch Oceanbank đã bị xử lý tội Cố ý làm trái. Nếu Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt là hành vi phát sinh thêm, có hại cho Thắm - người nắm giữ 62,9% cổ phần Oceanbank phân tích.
Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần như trên, bị cáo sinh năm 1972 lập luận ông không thể đồng phạm giúp sức để Sơn chiếm đoạt tài sản của mình và tham ô tiền của đối tác chiến lược là Tập đoàn Dầu khí. Qua kiểm tra, ông Thắm thường xuyên xác định được lượng tiền PVN gửi tại Oceanbank nên bị cáo cho rằng tiền chi lãi ngoài đã được chuyển đến Tập đoàn Dầu khí.
Hà Văn Thắm đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như ông thành khẩn khai báo, không được hưởng lợi mà thực tế bị thiệt hại vì hành vi của ông Sơn nếu thấy đủ căn cứ kết tội Tham ô và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
"Hành vi đồng phạm (nếu có) của tôi cũng là mờ nhạt, trong hoàn cảnh bắt buộc không phải là giúp sức tích cực", cựu Chủ tịch Oceanbank viết.
Trong đơn kháng cáo, Hà Văn Thắm cho rằng tòa tuyên phạt ông phải bồi thường hơn 800 tỷ cho Oceanbank là chưa đúng. Thừa nhận có hành vi cố ý làm trái nhưng người từng đứng đầu Oceanbank một thời cho rằng việc này gây hậu quả phi vật chất, thậm chí làm lợi cho Ngân hàng Đại Dương.
Cựu Chủ tịch ngân hàng Đại Dương cho rằng "quá bất công" khi bản thân ông phải bồi thường hơn 800 tỷ. Khấu trừ các khoản, Hà Văn Thắm viết rằng các cá nhân liên quan chỉ phải chịu trách nhiệm hơn 470 tỷ đồng trong số 1.576 tỷ bị coi là thiệt hại.
Với tư cách cổ đông nắm gần 63% cổ phần Oceanbank, ông Thắm đề nghị tòa phúc thẩm tuyên ông không phải bồi thường cho Oceanbank. Nếu Nguyễn Xuân Sơn phải đền bù 49 tỷ (20% của 246 tỷ) cho Tập đoàn Dầu khí thì phải trả phần còn lại cho các cổ đông khác, trong đó có Thắm.
Gần 7 tháng sau khi kết thúc phiên xử sơ thẩm, hôm nay (18/4), TAND Cấp cao mở phiên xử phúc thẩm. 31 người kháng cáo nhưng chỉ có 26 xuất hiện ở tòa, 5 người đã rút đơn.
Hơn 200 ngày trước, trong các buổi dự khán, nhiều người đã động lòng khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của nhiều bị cáo như Hồng Tứ, Minh Thu...Trong số đó, có một cặp vợ chồng cùng vướng lao lý: Ngô Hải Nam (cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Quảng Ninh) và Nguyễn Thị Nga (cựu Kế toán trưởng Oceanbank).
Nghe người chồng đứng trước vành móng ngựa trần tình về bi kịch xảy ra với gia đình, Nga đã bật khóc. Tại phiên tòa, người chồng tha thiết mong HĐXX cho một hưởng đặc ân đó là được gánh án thay để vợ có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy 2 con.
Ngoài nước mắt của các "bóng hồng", phòng xử án chật kín người hôm đó (26/9/2017) đều xúc động khi chứng kiến cảnh cựu "thuyền trưởng" Oceanbank bật khóc khi thấy các thuộc cấp đứng ra xin HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho mình.
Một tháng diễn ra phiên xử, những người được triệu tập còn được nghe nhiều câu chuyện cảm động ở chốn công đường. Trong phần đối đáp với đại diện VKS hôm 23/9, luật sư Huỳnh Phương Nam nhắc đến số phận con của bị cáo Phạm Hoàng Giang (Tổng giám đốc Công ty BSC). Luật sư kể rằng 18 tháng bị tạm giam là từng đó thời gian Giang chưa được nhìn thấy con. Bé gái 8 tuổi đã phải trải qua nhiều lần mổ mắt và đứng trước nguy cơ mù lòa.
Theo luật sư, khi nghe Giang trình bày tình trạng bệnh của con rất trầm trọng, các bị cáo có mặt tại tòa đã đóng góp tiền để giúp đỡ gia đình thân chủ của mình sớm vượt qua khó khăn. Đây là hành động nhân văn, tình người giữa chốn công đường.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (một trong 5 người ở HĐXX) chia sẻ riêng với Zing.vn rằng ông đã ngồi nhiều phiên xử, chứng kiến nhiều giọt nước mắt lăn dài trên má các bị cáo. Tuy nhiên, với ông đây là phiên toà có cảm xúc riêng bởi bị cáo đa phần là nữ, có con nhỏ nhưng vẫn phải đối diện các mức án mà họ mắc sai lầm.
Và hôm đó, 29/9/2017, sau khi các bản án được công bố, các bị cáo rời tòa với tâm trạng trái ngược. Người được giảm án so với mức đề nghị thì tươi cười, không cầm được nước mắt. Trong khi đó vẫn còn người lặng lẽ bước vội ra cổng với vẻ mặt đượm buồn. Riêng Hà Văn Thắm vẫn tươi cười, chào hỏi mọi người trước lúc lên xe về trại giam.
"Tôi sẽ sống thật tốt để mọi người không phải lo lắng cho tôi. Xin mọi người hãy đừng đau lòng về tôi”, Thắm nói ở tòa.
Trước đó, tháng 9/2017, TAND Hà Nội đưa đại án Oceanbank ra xét xử sơ thẩm. Đây được xem là phiên toà kỷ lục với hơn 700 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập.
Đây cũng là phiên xử dài nhất (1 tháng), nếu so với các vụ án kinh tế được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực tiếp theo dõi. Trong bối cảnh “lò nóng, củi tươi cũng phải cháy”, việc Hà Văn Thắm và 50 bị cáo khác bị đưa ra xét xử lần 2 sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đã nhận được sự quan đặc biệt của dư luận.
Suốt từ phần xét hỏi, tranh tụng cho đến lời nói sau cùng, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ Oceanbank khẳng định bản thân không cố ý làm trái các quy định như cáo trạng quy kết. Bản thân Hà Văn Thắm cũng rằng việc chi lãi “vượt rào” để cứu thanh khoản, nếu bị phát hiện có thể bị cách chức.
"Nếu như xác định bị hình sự thì chắc bị cáo có ép, có ra lệnh, có dọa nạt thì các đồng nghiệp cũng không làm", Hà Văn Thắm nói rồi giải thích hơn 1.500 tỷ đồng chi chăm sóc khách hàng không phải vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Dương mà là tiền thu của khách vay để trả cho người gửi.
Tuy nhiên, cơ quan công tố đánh giá hành vi của Hà Văn Thắm và nhiều thuộc cấp giỏi của ông ta trong hệ thống ngân hàng trên đã gây hậu quả nghiêm trọng. Số tiền hơn 1.500 tỷ đã chi lãi trái quy định không được hạch toán, khó có khả năng thu hồi. "Việc làm trái quy định của các bị cáo không chỉ thiệt hại vật chất còn là tiền đề cho tội phạm tham nhũng phát triển", công tố viên luận tội.
Suốt phiên toà, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí) phủ nhận cáo buộc tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hơn 300 tỷ Oceanbank chuyển cho để chi lãi ngoài. Ông Sơn khẳng định chưa bao giờ nghĩ tới việc chiếm đoạt tài sản của PVN và Oceanbank - nơi ông dành hết tâm sức cống hiến. "Bị cáo không thể tin được vào mắt mình khi bị cơ quan điều tra khởi tố tội Tham ô. Từ đó bị cáo như người vô hồn”, người bị tuyên án tử hình ở cấp sơ thẩm nói.
Hà Văn Thắm - người bị cáo buộc với vai trò đồng phạm - cũng cho rằng bị cáo Sơn không chiếm hưởng tiền chi lãi ngoài. Số tiền 246 tỷ đã được chi chăm sóc cho nhóm khách hàng dầu khí, trong đó phần lớn đưa cho Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh. Song VKS thấy rằng ngoài khoản 20 tỷ được ông Ninh Văn Quỳnh xác nhận, Sơn không nêu hoặc chứng minh được các khoản chi khác. Hành vi phạm tội của bị cáo đã hoàn thành kể từ khi chiếm đoạt tài sản, việc xác định hay không xác định được mục đích sử dụng tiền không có ý nghĩa về mặt định tội. Tội Tham ô được áp dụng vì trong số 246 tỷ có 49 tỷ là tiền nhà nước, tương đương 20% vốn mà Tập đoàn Dầu khí góp vào Oceanbank.
Ai nhận tiền chi lãi ngoài của Oceanbank cũng là nội dung chưa được làm sáng tỏ tại phiên xử sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm. Suốt hơn 20 ngày xét xử, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch Oceanbank) khai đã nhiều lần chi chăm sóc khách hàng cho lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Tuy nhiên, khi được triệu tập đến toà, cán bộ chủ chốt của Vietsovpetro và Lọc hóa dầu Bình Sơn qua các thời kỳ đều khẳng định không nhận lãi ngoài hay lợi ích vật chất của Oceanbank. Sau khi các bên đối chất, trung tuần tháng 9/2017, Bộ Công an đã khởi tố 3 vụ án hình sự Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vietsovpetro; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí.
Do thời gian điều tra vụ án đã hết, cơ quan tố tụng quyết định tách 5 hành vi có dấu hiệu phạm tội để tiếp tục điều tra, xử lý trong giai đoạn 2. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét, làm rõ các cá nhân, tổ chức kinh tế gửi và nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ các đơn vị của Oceanbank.
Theo hồ sơ vụ án, từ 2011-2014, có hơn 51.000 cá nhân và hơn 390 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do nhà băng này chi trả. Trong đó, nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc PVN và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có dấu hiệu thông đồng với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận lãi ngoài.
Oceanbank tiền thân Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (Hải Dương) - tổ chức tín dụng thành lập năm 1993 với vốn ban đầu hơn 17 tỷ đồng được Hà Văn Thắm mua cổ phần năm 2003. Năm 2007, cái tên Oceanbank chính thức hiện diện với tổng tài sản đạt hơn 13.000 tỷ đồng. 7 năm sau, tổng tài sản của Oceanbank tăng gấp 5 lần lên hơn 67.000 tỷ.
Năm 2008 Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận góp vốn trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần nhà băng này. Phía PVN sau đó cử Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC), sang làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Oceanbank.
Quá trình điều hành, Sơn và Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua công ty sân sau của Thắm mang tên BSC để chi lãi ngoài. Số tiền 69 tỷ thu về từ BSC, cựu Chủ tịch Oceanbank giao cho Nguyễn Xuân Sơn chi cho nhóm khách hàng gửi tiền ở Tập đoàn Dầu khí. Hành vi này của Thắm và Sơn phạm tội Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đầu năm 2011, ông Sơn thôi giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank để rút về làm Phó tổng giám đốc PVN. Tuy nhiên, bị cáo sinh năm 1962 vẫn được tập đoàn cử là người đại diện phần vốn góp tại Oceanbank đến giữa năm.
Sau khi giới thiệu Nguyễn Minh Thu (Phó tổng giám đốc Oceanbank) giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank, Sơn đề nghị Thắm giao cho Thu tiếp tục phụ trách việc chi lãi ngoài cho khách hàng. Theo điều tra, Oceanbank đã chi ngoài lãi suất tiền gửi hơn 1.500 tỷ đồng cho các cá nhân, đơn vị. Ngoài số cán bộ chủ chốt, có hàng chục người đứng đầu các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước bị truy tố tội Cố ý làm trái.
Bản án sơ thẩm xác định Nguyễn Xuân Sơn nhận thêm từ Hà Văn Thắm 246 tỷ để chi lãi ngoài cho Tập đoàn Dầu khí. Ông Sơn khai đã đưa phần lớn số tiền này cho Ninh Văn Quỳnh (Kế toán trưởng PVN). Tuy nhiên, ông Quỳnh chỉ thừa nhận cầm 20 tỷ từ cựu Tổng giám đốc Oceanbank.
Theo cơ quan tố tụng, trong số 246 tỷ có 49 tỷ là tiền Nhà nước (tức 20% vốn góp của Tập đoàn Dầu khí) nên Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố tội Tham ô tài sản, còn Hà Văn Thắm bị cáo buộc giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Ngoài 3 tội danh trên, Hà Văn Thắm cùng Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn còn bị truy tố thêm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Hành vi này xảy ra đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Do muốn thâu tóm một số nhà băng về Oceanbank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao Đại Tín.
Khi phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu, ông Thắm không còn muốn "ôm" ngân hàng này và tìm cách bán lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh, bạn của Nguyễn Xuân Sơn). Hai bên thỏa thuận, khi hoàn tất thủ tục, ông Danh sẽ tiếp nhận điều hành và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB).
Để tăng tính thanh khoản choVNCB, Hà Văn Thắm bàn bạc, thống nhất cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank. Không có tài sản thế chấp nên Thắm bảo Danh mượn tài sản của Hứa Thị Phấn gồm quyền tài sản phát sinh từ 3 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng và gần 5 triệu cổ phần Công ty SSG đứng tên người khác. Bà Phấn cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của toàn bộ hồ sơ pháp lý và giá trị của các tài sản cho mượn nêu trên.
Sau đó, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là Công ty Trung Dung (do Phạm Công Danh thành lập) để vay vốn. Khi cấp dưới nhận định rủi ro về tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn (Thành viên hội đồng tín dụng) vẫn duyệt cho vay 500 tỷ đồng.
Số tiền này lẽ ra phải được phong tỏa, chuyển vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Đại Tín nhưng lại được chuyển vào tài khoản ngân hàng khác. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chuyển số tiền 500 tỷ đi lòng vòng và đến cuối năm 2012 đã tất toán cho 5 hợp đồng tín dụng của Hứa Thị Phấn vay tại ngân hàng Đại Tín.
Kết quả định giá xác định tổng giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại thời điểm giải ngân là 70 tỷ đồng, hiện nay là 156 tỷ đồng. Trừ giá trị tài sản đảm bảo đã được định giá thì khoản vay của Công ty Trung Dung hiện còn thiệt hại 343 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính 201 tỷ đồng tiền lãi đến 10/2014.