Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Hai bài học rút ra từ ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Hàng chục ca mắc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chỉ sau 4 ngày một lần nữa chứng minh chỉ cần một chút lơ là, các cơ sở y tế có thể trở thành ổ dịch nghiêm trọng.

O dich TP.HCM anh 1

Ngày 11/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận ca dương tính đầu tiên là nhân viên phòng Công nghệ thông tin. Người này được phát hiện qua sàng lọc và khai báo y tế, có triệu chứng nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm. Đến sáng 15/6, tổng số F0 liên quan ổ dịch này là 69 người, chỉ sau 4 ngày phát hiện ca mắc đầu tiên.

Dịch Covid-19 xâm nhập bệnh viện là nỗi lo luôn thường trực. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, thành trì y tế cuối cùng sẽ bị chọc thủng, tạo nên ổ dịch nguy hiểm cho cả ngành y và sức khỏe, an toàn của người dân. Hàng loạt ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học sâu sắc cho thành phố, thầy thuốc và người dân.

O dich TP.HCM anh 2

Ảnh: Thiên Nhan.


Vaccine là chìa khóa nhưng không phải tất cả

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở phía Nam được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Các nhân viên y tế mắc Covid-19 cũng đều đã được tiêm phòng vaccine.

Điều đó không có nghĩa vaccine mất đi tác dụng. Theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhấn mạnh việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine và ghi nhận trường hợp dương tính không phải là sự thất bại của tiêm chủng.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, "khi đánh giá toàn bộ nhân viên thì tải lượng virus trên máy rất thấp. Đây là tín hiệu đáng mừng, có thể là tác dụng của vaccine nên khi nhiễm làm tải lượng virus thấp".

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cũng khẳng định vaccine Covid-19 không phải là “bùa hộ mệnh” trước dịch Covid-19.

O dich TP.HCM anh 3

Vaccine là chìa khóa chiến thắng đại dịch nhưng không phải tất cả. Người dân cần có ý thức tuân thủ 5K và các khuyến cáo đã ban hành. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine là chìa khóa giúp chúng ta chống lại đại dịch. Nhưng nó không phải tất cả. Bởi không có loại vaccine bảo vệ 100%. Tuy nhiên, với miễn dịch cộng đồng, chúng ta sẽ được bảo vệ đáng kể, khả năng lây nhiễm virus xuống mức thấp nhất có thể.

Tiêm vaccine giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc Covid-19 như người cao tuổi, có bệnh nền, mắc ung thư, HIV...

Ngoài ra, ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu sinh kháng thể. Sau tiêm mũi thứ 2, vaccine đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vaccine.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào vaccine mà lơ là các biện pháp chống dịch khác, hậu quả vẫn sẽ rất khó lường. Bằng chứng là tại Anh, sau chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, số ca nhiễm nCoV ở quốc gia này đột ngột tăng nhanh do biến chủng Delta. Chính phủ Anh đang cân nhắc lại các biện pháp giãn cách xã hội, siết chặt quy định phòng dịch để ngăn các ca mắc tiếp tục tăng nhanh.

Do đó, người dân cần chấp hành các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng, tiêm đủ liều. Điều quan trọng hơn cả là tuân thủ 5K, không lơ là, chủ quan. Chỉ có như thế, thành quả chống dịch mới được bảo vệ.

Giải quyết triệt để lỗ hổng từ các bệnh viện

Ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có tốc độ lây lan rất nhanh. Trung bình mỗi ngày, ổ dịch này phát hiện 17 ca mắc mới.

Ngay khi chùm ca bệnh này được phát hiện, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nhận định "22 nhân viên mắc Covid-19 sẽ là tiếng chuông cảnh báo tất cả cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như cả nước”.

Đánh giá về ổ dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Nó 'thủng' ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả. Xem lại công tác kiểm soát thế nào. Nếu không chặt chẽ, xuất hiện dịch từ cán bộ, nhân viên của sở, ngành, quận, huyện thì ảnh hưởng thế nào đến chỉ đạo và sự điều hành chung của thành phố".

22 nhân viên mắc Covid-19 sẽ là tiếng chuông cảnh báo tất cả cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như cả nước.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.

Hiện tại, theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, điều may mắn là hầu hết nhân viên dương tính làm việc ở khu hành chính. Các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tất cả bệnh nhân đang điều trị cũng có xét nghiệm âm tính. Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo bệnh viện xét nghiệm mỗi 2 ngày/lần kéo dài một tuần.

Đánh giá ban đầu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho thấy có thể, nguồn lây của ổ dịch này là từ bên ngoài đi vào bệnh viện. Điều này càng chứng minh cho việc các cơ sở y tế phải có biện pháp triệt để hơn nữa, bảo vệ vững chắc thành trì cuối cùng. Bản thân các cán bộ, nhân viên làm việc trong bệnh viện phải nhận thức được công việc của mình, từ đó hạn chế việc đi lại, tiếp xúc.

Trong ngày 12/6, Sở Y tế TP.HCM cũng đã gửi công văn hỏa tốc tới toàn bộ bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn, yêu cầu các nhân viên y tế sau khi kết thúc công việc chỉ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Đồng thời, những người này cũng không được tụ tập bạn bè, người thân không ở cùng gia đình để sinh hoạt, ăn uống hay đến nơi đông người khi không thực sự cần thiết.

O dich TP.HCM anh 4

Phun khử trùng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sau ca mắc Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần ưu tiên khoanh vùng, xét nghiệm và đảm bảo an toàn cho tất cả người có khả năng vào trong cơ sở y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng hay thậm chí là bảo vệ, lao công, nhân viên căng-tin...

Về phía người dân, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của chính quyền. Ông khuyến cáo: "Nếu chưa thực sự cần thiết, người dân nên hạn chế đến cơ sở y tế. Bởi điều đó là nguy cơ, ảnh hưởng việc phòng, chống dịch".

Tại TP.HCM, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong các bệnh viện, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu tất cả cơ sở y tế của thành phố phải sàng lọc khi tiếp nhận người đến điều trị. Ngành y tế cũng xây dựng kịch bản xử lý khi phát hiện ca dương tính với nCoV tại các bệnh viện.

Điều này rất cần thiết bởi tình trạng các F0 lang thang ngoài cộng đồng, chỉ phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện ngày càng nhiều ở TP.HCM. Đáng chú ý, những trường hợp này đều chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện triệu chứng, phát hiện ở các cơ sở y tế.

Khi nCoV vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Hệ lụy của nó là hàng loạt tòa nhà, khu dân cư, văn phòng cùng lúc xuất hiện ổ dịch. Bởi virus đã có thời gian ủ bệnh, các F0 tiếp xúc nhiều F1, F2 ngoài cộng đồng. Do đó, công tác sàng lọc người bệnh ngay từ vòng ngoài càng trở nên quan trọng.

Thực tế, các cơ sở y tế luôn là "miếng mồi ngon" của Covid-19. Nhiều lần, bệnh viện lớn bị tấn công, chọc thủng như Bệnh viện Bạch Mai và gần đây nhất là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Hậu quả của những lần bùng phát đó là hàng trăm ca mắc Covid-19 được phát hiện trong ổ dịch. Các cơ sở y tế rơi vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tạo áp lực lớn cho cả thầy thuốc và ngành y.

Tình trạng này khiến Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ 4 rất nghiêm trọng.

Covid-19 xâm nhập các bệnh viện cũng cho thấy bài học trong quản lý cách ly, người ra vào bệnh viện và minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định của nhiều chuyên gia "khi nCoV vào bệnh viện, mức độ lây nhiễm sẽ rất khủng khiếp".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và nhóm nguy cơ cao, triển khai biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Theo công bố của Bộ Y tế, từ 27/4 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 923 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. Đặc biệt, dịch đã xâm nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

'TP.HCM cần xây dựng kịch bản để quay lại cuộc sống bình thường'

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng giãn cách xã hội chỉ là biện pháp đối phó có thời điểm, TP.HCM cần xây dựng kịch bản sống chung với đại dịch.

Dịch Covid-19

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm