Phòng cách ly bệnh sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 gần như kín người trong một tháng trở lại đây. Ảnh: Kỳ Duyên. |
Ngày 13/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết trước tình hình ca bệnh sởi tăng cao, ngành y tế đã triển khai 2 nhóm giải pháp chủ động phòng chống dịch.
Cụ thể, với nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi, Sở Y tế đề nghị triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vaccine.
Để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vaccine đạt hiệu quả, các Trung tâm Y tế quận, huyện cần rà soát lập danh sách tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, chú ý các trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ.
Sở Y tế cũng khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi.
Các bệnh viện thực hiện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý và tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện. Hiệu quả ngăn chặn đường lây truyền bệnh khi có miễn dịch cộng đồng cũng là giải pháp gián tiếp để bảo vệ những người mắc bệnh ác tính, suy giảm miễn dịch không thể tiêm vaccine.
Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Về nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, ngành y tế đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, không qua khỏi khi nhiễm sởi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Bố trí khu vực cách ly để điều trị người bệnh nghi/ nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm.
Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt, không bố trí chung buồng bệnh với các trường hợp khác.
Đối với trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm sởi, trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với bệnh nhân sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), các Trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, các bệnh viện triển khai ngay giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, tất cả hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca bệnh không qua khỏi.
Đồng thời, yêu cầu Thanh tra Sở Y tế cần kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vaccine” và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng.
Theo báo cáo của HCDC, tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn là 597 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca.
Bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019-2022 chưa đạt 95%.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Tri thức trực tuyến giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.