Hai đời vua liên tiếp cùng sinh năm Tý đó là Trần Anh Tông và Trần Minh Tông của triều đại nhà Trần.
Trần Anh Tông và chuyện suýt mất ngôi vì rượu
Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của triều Trần, ông sinh năm Bính Tý (1276). Trong 21 năm làm vua của mình, ông được sử sách đánh giá là vị vua anh minh, giỏi trị nước. Sử gia Phan Huy Chú cho rằng: “Vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen”.
Tuy vậy, ngày mới lên ngôi, vua còn bồng bột, ham chơi bời, chính sự có phần lơ là. Tính lại ham uống rượu nên có lần suýt bị phế mất ngôi báu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 4/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông bất ngờ ở cung Thiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả nhưng vua vẫn nằm ngủ. Nguyên là bởi, đêm hôm trước, vua Trần Anh Tông uống rượu xương bồ say khướt.
Không thấy vua Trần Anh Tông, Thượng hoàng vẫn không nói gì, vẫn thong thả đi xem xét khắp các cung điện, không cho ai làm kinh động vua.
Đến lúc dùng bữa, người trong cung dâng cơm, vẫn không thấy vua đâu, Thượng hoàng ngạc nhiên hỏi: “Quan gia đâu?". Quan gia là cách gọi vua thời Trần.
Cung nhân không dám giấu, phải bẩm thực tình, rồi vào trong cung đánh thức vua dậy.
Do quá say, Trần Anh Tông không thể nào tỉnh dậy được. Thượng hoàng rất giận, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày mai phải đến họp ở phủ Thiên Trường, ai trái thì xử tội.
Mãi tới 14h chiều, vua Trần Anh Tông mới tỉnh giấc. Biết chuyện, vua hoảng sợ.
Chưa biết ứng đối thế nào với thượng hoàng, Trần Anh Tông rảo bước đến chùa Từ Phúc, may gặp người học trò tên Đoàn Nhữ Hài. Thấy Nhữ Hài vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”.
Đoàn Nhữ Hài rạp người tâu: “Thần vì mải học lỡ ra đến đây”.
Nghe đến từ “học tập”, Trần Anh Tông “ngộ” ra ngôi vị đế vương của mình, không thể vì ham vui của cá nhân mà bỏ bê triều chính.
Vua dẫn Đoàn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo “vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với Thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu tạ tội”.
Bức họa vua Trần Anh Tông và đình thần. |
Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, cho Đoàn Nhữ Hài theo, dâng biểu tạ tội. Thái thượng hoàng thấy Đoàn Nhữ Hài, hỏi người nào, nội nhân trả lời là người dâng biểu của quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập đến, Đoàn Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích, Thái thượng hoàng bèn sai nhận biểu lên xem. Xem bài biểu tạ tội của Đoàn Nhữ Hài, thấy lời lẽ khẩn thiết, Trần Nhân Tông biết rằng vua Trần Anh Tông biết chọn dùng người tài giúp mình. Đó là cốt cách cần thiết của một bậc đế vương giỏi trị nước.
Thượng hoàng cho gọi vua vào và bảo: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này?". Biết mắc lỗi lớn, vua dập đầu tạ tội.
Thái thượng hoàng lại cho gọi Nhữ Hài vào và bảo: "Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm", rồi xuống chiếu cho Trần Anh Tông vẫn làm vua, các quan về triều như cũ.
Sau bài học khắc cốt ghi tâm này, vua Trần Anh Tông đã bỏ được thói xấu ham mê rượu chè của mình để chuyên tâm trị nước.
Vua Trần Minh Tông dạy con nghiêm khắc
Trần Minh Tông sinh năm Canh Tý (1300), hoàng đế thứ 5 của triều đại nhà Trần. Thời trẻ, ông được vua cha Trần Anh Tông dạy dỗ nghiêm khắc, nên về sau, vua rất quan tâm dạy bảo con cái.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1329, vua ban chiếu phong Trần Vượng làm Đông cung Hoàng thái tử. Không lâu sau đó, nhường ngôi cho Trần Vượng (Trần Hiến Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng.
Để dạy dỗ con cái thành những bậc hiền tài, vua Trần Minh Thông thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Theo ý của Thái bảo Uy Túc Văn, vua chỉ nên nhắc đến người thiện, ít bàn những kẻ ác, sợ các hoàng tử nghe được sẽ làm theo.
Tuy vậy, theo ý của Thượng hoàng Minh Tông, thiện ác đều phải nêu lên để đối chiếu. Nếu con ta hiền thì nghe điều thiện tất sẽ học tập, nghe điều ác tất phải tránh xa. Thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con không hiền thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác.
Vốn là vị vua rất quan tâm đến việc trị vì đất nước nên vua Trần Minh Tông rất quan tâm dạy dỗ các con đạo trị nước. Cuối năm Bính Thân (1356) khi nằm bên giường bệnh, các hoàng tử có mặt đầy đủ, vua dặn rằng "các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì học, việc gì dở thì tránh, cần gì ta dạy nữa?".
Vua dụ rằng: "Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Người ấy theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta mà ta coi là người hiền nên dùng. Nếu ta là người hiền thì những người làm việc cho ta cũng là người hiền. Nếu ta không hiền thì những kẻ làm việc cho ta cũng không hiền. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương sầu, cùng loại thì hợp nhau".
Nhờ sự dạy bảo cẩn thận của vua cha nên Trần Hiến Tông tiếp tục là vị vua tốt, được lòng thiên hạ, phép nước ổn định. Tiếc là vua qua đời quá sớm (22 tuổi) khiến cơ nghiệp nhà Trần suy yếu.