Mùng 1 Tết Nguyên Đán là ngày khởi đầu của một năm. Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại, ngay từ buổi đầu của thời kỳ độc lập, vua chúa nước Việt đã rất quan tâm những nghi lễ vào ngày đầu của năm mới.
Thời Đinh, Lê, Lý Trần
Dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần, ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các quan đến hành lễ rồi xem hát múa. Buổi tối, vua qua cung Động Nhân, bái yết tiên vương. Đêm ấy, thầy tu vào nội điện làm lễ “Khu Na” - đuổi tà ma.
Ngày mùng 1 Tết, khoảng canh 5 (3h-5h), vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, tôn tử (con cháu nhà vua) cùng các quan cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái lăng tổ.
Nghi lễ đón Tết trong cung đình xưa. |
Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, phi tần sắp lớp ngồi bên dưới, các quan đứng trước điện. Những bài nhạc được chơi trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi xếp thành hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên.
Lễ lượt xong xuôi, các tôn tử lên chầu và dự yến. Quan nội thần ngồi hai bên ăn tiệc, đến trưa thì lần lượt ra về. Nghi lễ ngày đầu tiên của năm mới kết thúc.
Ngày đầu năm mới của vua Lê, chúa Trịnh
Đến thời Lê - Trịnh, người thực sự nắm mọi quyền hành không phải vua Lê mà là chúa Trịnh và thế tử. Nhưng trong các ngày lễ Tết, vua Lê vẫn được xem là người chủ trì nghi thức quan trọng trong triều. Chúa Trịnh vẫn có những hoạt động thể hiện lòng trung với các vua Lê.
Sáng mùng 1 Tết, Tiết chế phủ (con trai cả của chúa Trịnh) vâng lệnh chúa dẫn quan tướng mặc lễ phục vào chầu vua Lê, làm lễ chúc mừng năm mới.
Trước đó một ngày, Ty Thượng thiết đã đặt ngự toạ ở điện Kính Thiên, bày hương án. Ty Giáo phường chuẩn bị thiều nhạc, đại nhạc phía Đông - Tây sân rồng. Ty Thủ vệ dàn cờ quạt, khí giới theo đúng nghi thức.
Giữa công đường, bộ Lễ, Ty Nghi chế đặt một chiếc án, trên đó để tờ biểu của sứ Ty Đô tổng binh. Thừa chính cùng Ty Hiến sát chúc mừng vua.
Các quan bộ Lễ và Ty Thừa trực đêm ở công đường, đợi tới gần canh 5 thì rước án biểu vào cung, trên che tàn vàng, cờ trống và nhạc đi trước, văn võ theo sau. Cục Thừa dụ khiêng án biểu đến cửa Đoan Môn, đặt ở phía Đông sân rồng.
Trống nghiêm hồi thứ nhất, các quan xếp hàng ngoài cửa Đoan Môn. Trống nghiêm lần thứ hai, viên Đạo lễ dẫn Tiết chế phủ vào điếm trước sân rồng ngồi chờ. Trống nghiêm hồi thứ ba, các viên chấp sự vào điện Vạn Thọ lạy 5 lạy 3 vái rồi rước vua ra điện Kinh Thiên. Viên Đạo lễ dẫn Tiết chế phủ vào đứng ở sân rồng.
Sau khi quan đại trí từ đọc lời cầu chúc của Tiết chế phủ và bách quan văn võ, quan Truyền chế đọc lời đáp của vua, các quan lạy tạ 4 lần. Nhạc tấu khúc Hưu minh, vua lên kiệu về cung, kết thúc buổi chầu.
Ở phủ chúa Trịnh, viên Tư thiên giám chọn giờ tốt để chúa đi lễ Thái Miếu, Cung Miếu. Mùng 1 Tết, hiệu Thiên hùng bắn súng, hiệu Thị trung đánh trống, quân cấm vệ đứng hầu hoặc đi tuần xung quanh... Chúa lễ xong, phiên Binh ban thưởng tiền xuân cho quan tướng.
Tiết chế phủ dẫn các quan xếp hàng tiến vào lạy mừng. Chúa ban yến, tiền thưởng xuân cho các quan từ nhất phẩm triều đình trở xuống và cho mọi người được dự yến.
Tiệc yến xong, các quan làm lễ tạ ơn, chúa lui vào cung, Tiết chế phủ về phủ chúc mừng thế tử. Nghi thức ngày mùng 1 kết thúc.
Vua quan triều Nguyễn với hoạt động đầu năm
Dưới thời Nguyễn, sáng mùng 1 Tết, đầu canh năm, trống nghiêm hồi thứ nhất, viên Quản vệ dàn bày cờ quạt, nghi trượng...
Trống nghiêm hồi thứ hai, các quan mặc lễ phục vào chực sẵn trên sân điện Thái Hoà. Mờ sáng, trống nghiêm hồi thứ ba, trên kỳ đài kéo cờ đại và các sắc cờ khánh hỷ. Quan Khâm thiên giám báo giờ.
Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng. Cửa Ngọ Môn nổi lên 3 hồi trống cùng tiếng súng thần công nổ vang trời.
Lễ tế đàn Nam Giao ở kinh thành Huế vào dịp năm mới. |
Sau khi đội nhạc tấu bài Lý bình, các quan cùng dâng những tờ hạ biểu (viết lời chúc phúc) và lạy đủ 5 lần, đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu chúa thượng vạn tuế, vạn tuế”. Nghi lễ hết sức tôn nghiêm.
Sau khi quần thần, hoàng thân quốc thích thực hiện xong nghi lễ, vua sẽ ban tiền thưởng xuân cho những người có mặt.
Tiếp đến, nhà vua đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái hậu và làm lễ Khánh hạ. Lễ xong, ai về nhà nấy.
Thời vua Minh Mạng, vào ngày đầu tiên của năm mới, nhà vua đội mũ chín rồng, mặc áo vàng, thắt đai ngọc, hành lễ tại nhà Thái miếu. Đàn Nam Giao được xây dựng năm 1806 để hợp tế trời đất, thờ trời.
Đến thời Bảo Đại, do tiếp thu văn hóa phương Tây, vua dẫn các quan cùng vị khách phương Tây vào điện Cần Chánh để mời mọi người một ly rượu sâm panh.
Lễ nghi trong cung vua vẫn giữ nhưng riêng khi ăn cỗ, nếu tục xưa vua chỉ ăn Tết một mình, thì Bảo Đại ăn cùng mâm với vợ con.