“Có muốn đi Măng Đen một chuyến không?”.
Tin nhắn từ chị gái Trần Thị Ngọc Nhi (27 tuổi) khiến Trần Ngọc Trân (tên thường gọi là Du, 26 tuổi) bất ngờ.
Bởi lẽ, điều này hoàn toàn khác với kế hoạch hai người bàn bạc từ trước: kết thúc 5 năm làm việc trong môi trường dịch vụ chuyên nghiệp ở Phú Quốc để về nhà mở tiệm trà chanh nhỏ.
“Lúc đó, Măng Đen với mình là nơi hoàn toàn xa lạ và chưa bao giờ nghĩ đến. Mình cũng chỉ được nghe chị kể về vùng đất này trong chuyến đi tình nguyện viên vài tháng trước. Mình muốn bước chân ra khỏi vùng an toàn nhưng không cho phép việc nằm ngoài dự tính xảy ra”, Du kể với Zing.
Tuy nhiên, quyết định của Du thay đổi khi xem 3 tấm hình chị gái chụp ở Măng Đen.
Màu xanh mướt của núi rừng và trong lành của đất trời đã mở đầu cho hành trình không hẹn trước của họ.
Hai chị em Nhi và Du (phía sau) bỏ việc ở Phú Quốc (Kiên Giang) lên Măng Đen (Kon Tum) cùng người bạn lập nghiệp. |
Thay đổi
Trên 2 chặng xe từ Kiên Giang lên Tây Nguyên vào tháng 12 năm ngoái, Du tự dặn lòng không được từ bỏ vì phải năn nỉ bố mẹ rất nhiều, rằng đây không phải sự bồng bột của tuổi trẻ, mà là dám xóa bỏ lối tư duy ổn định.
Nhận được sự giúp đỡ của người bạn Trịnh Tính (29 tuổi) - lên Măng Đen vào năm 2020, chị em Nhi và Du bắt đầu kinh doanh tiệm cà phê nhỏ trên đồi trong khu 37 hộ, cách thị trấn khoảng 8 km.
Ngoài ra, do có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ, họ nhận thầu sắp xếp, quản lý và điều hành các mô hình homestay ở đây.
Với Du, ở vùng đất mới, nhịp sống và thói quen chắc chắn không dễ dàng thích nghi thời gian đầu.
“Từ vùng biển nắng chói chang Phú Quốc, mình đến Măng Đen vào mùa đông với cái lạnh buốt 10 độ C, sốc nhiệt là điều không thể tránh khỏi. Mình là người miền Tây, khí hậu quanh năm chỉ có nóng và hơi mát, nên mình mất khoảng vài tháng để tập chịu lạnh”.
Cuộc sống của Du thay đổi tích cực từ khi bỏ việc và theo đuổi điều mình mong muốn. |
Khi còn làm trong công ty, hàng ngày được ăn no, mặc đẹp, Du không lo lắng gì nhiều vì mọi thứ rập khuôn. Môi trường chuyên nghiệp giúp cô mở mang kiến thức nhưng cũng gây mệt mỏi và căng thẳng sau thời gian dài làm việc.
Điển hình là giờ giấc sinh hoạt xáo trộn. Nhiều khi, Du bỏ bữa sáng cả tháng trời vì mê ngủ. Vào những dịp lễ, Tết tấp nập du khách hoặc thiếu nhân viên, hoàng hôn với mọi người chính là bình minh của cô.
“Thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa… Hiện tại, mình không còn gắn với những thói quen không tốt đó. Tư duy mình cũng dần thay đổi tích cực và lành mạnh nên sức khỏe cải thiện hơn”, Du nói.
Không còn áp lực
Là những người trẻ khởi nghiệp, chị em Du tự làm mọi việc, từ giặt giũ, dọn dẹp đến làm vườn, nấu ăn.
Áp lực gia đình cũng là điều họ luôn trăn trở khi quyết định lập nghiệp với hai bàn tay trắng, kinh nghiệm ít ỏi và thu nhập giảm nhiều so với thời làm công ăn lương.
Tuy nhiên, Du vẫn cảm thấy hạnh phúc với nhịp sống chậm, không xô bồ và bon chen ở Măng Đen.
“Ở khu mình sống, sáng có thể thấy mây bay trước mặt. Lần đầu sau 5 năm, mình cảm nhận được sự tươi mát của khí trời”, cô nói.
Là những người trẻ lập nghiệp, chị em Du tự tay làm nhiều công việc. |
Một ngày mới của Du bắt đầu với tinh thần khỏe khoắn, mọi thứ diễn ra chậm rãi thay vì tất bật, vội vàng sợ muộn giờ làm như trước. Bên cạnh làm việc, cô có thêm thời gian đọc sách, học thêm, thư giãn.
Khi rảnh rỗi, Du ra ngoài vườn làm cỏ, chăm sóc vài gốc hồng, chậu sen đá. Có hôm, chị em cùng nhau ra sân tắm nắng, suy nghĩ về ý tưởng mới cho việc phát triển kinh doanh.
Sống tự do và hạnh phúc, Du nhận thấy mình biết thay đổi khiêm tốn để trưởng thành.
“Mình từng đọc được ở đâu đó rằng ‘Khi về già, người ta thường hối hận vì những điều mình đã không làm hơn là những gì mình từng làm’. Thực tế, nhiều người trẻ vẫn đang loay hoay, tất bật với cơm, áo, gạo, tiền mà quên đi ước mơ, hoài bão của chính mình. Khi cảm thấy những gì mình đang làm khiến bản thân mệt mỏi, suy nghĩ quá nhiều cho câu hỏi ‘Hôm nay lại phải đi làm ư?’ thì chính là lúc cần thay đổi. Điều quan trọng là phải hiểu được mình muốn gì và cần gì. Hãy tự tay xây dựng ước mơ, đừng để người khác thuê mình xây dựng ước mơ cho họ”, cô nhắn nhủ.
Với Du, mọi thứ hiện tại cần phải xây dựng, rồi sửa chữa chứ không thể gấp gáp. Vì mọi kết quả có thể phải tính bằng hàng chục năm nữa.