Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai mối nguy hiểm cần biết khi đeo kính áp tròng

Đằng sau sự tiện lợi và tính thẩm mỹ, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ trước những tác dụng của kính áp tròng.

Kính áp tròng (hay kính tiếp xúc) đang trở thành “cứu cánh” đối với một bộ phận lớn người trẻ bị cận thị. Không còn mờ trắng mắt kính mỗi khi thở mạnh lúc đeo khẩu trang hay ăn đồ nóng, người bị tật khúc xạ giờ đây có thể sinh hoạt, làm việc bình thường với loại kính đặc biệt này.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại trước các sản phẩm kính áp tròng khi những lợi ích của sản phẩm này có đi kèm với mối nguy hiểm nào đằng sau hay không?

Những nguy cơ người dùng kính áp tròng phải đối mặt

Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), nhận định: “Thực tế hiện nay, kính áp tròng được sử dụng rất nhiều. Sản phẩm này giúp chúng ta đảm bảo vấn đề thẩm mỹ, hạn chế sự bất tiện. Ngoài ra, kính áp tròng còn giúp người bệnh có trường nhìn rộng hơn so với loại kính truyền thống”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết người sử dụng kính áp tròng phải đối mặt với 2 nguy cơ chính là nhiễm trùng và khô mắt. Nguyên nhân là kính áp tròng được đặt ngay trên bề mặt giác mạc. Kính tiếp xúc với giác mạc chỉ qua một lớp nước mắt.

Dù vậy, những nguy cơ này chỉ xảy ra khi chúng ta sử dụng sản phẩm kính áp tròng không đảm bảo chất lượng hay chưa tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian, vệ sinh, bảo quản kính…

kinh ap trong co tang do can anh 1

Người đeo kính áp tròng thường phải đề phòng trước nguy cơ khô mắt và nhiễm trùng. Ảnh minh họa: Self.

“Việc sử dụng sản phẩm kính áp tròng đảm bảo chất lượng là rất quan trọng. Chất liệu sản xuất kính không đạt tiêu chuẩn khiến khả năng thấm hút, trao đổi khí của kính kém dẫn đến tình trạng khô mắt, gây tổn thương giác mạc và không đảm bảo chất lượng thị giác”, bác sĩ Hiền nói.

Bên cạnh đó, việc không tuân thủ hướng dẫn trong vệ sinh, tháo, lắp kính áp tròng cũng có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ này giải thích: “Trong quá trình sử dụng, các loại vi khuẩn, bụi bẩn có thể đã bám trên bề mặt kính. Lúc này, nếu không đảm bảo vệ sinh khi ngâm, rửa kính hay tháo, lắp kính sai cách, kính áp tròng khi được đeo lên mắt sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập. Đồng thời, môi trường bên trong mắt sử dụng kính áp tròng lâu ngày thường bị khô cũng khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn”.

Lúc này, việc sử dụng kính áp tròng có thể trở thành tác nhân gây một số bệnh như viêm kết mạc, viêm giác mạc, thậm chí loét giác mạc. Tình trạng loét giác mạc dù được điều trị thành công vẫn có thể để lại sẹo, ảnh hưởng tới thị giác.

Bác sĩ Hiền chia sẻ mới đây, một trường hợp được xét nghiệm và chẩn đoán loét giác mạc do amip cũng bởi nguyên nhân trên. Trước đó, bệnh nhân này được tiến sĩ Hiền theo dõi từ khi còn đeo kính gọng do cận thị. Khi ra trường, bệnh nhân chuyển vào TP.HCM làm việc và sử dụng kính áp tròng mềm. Sau một tuần điều trị, ổ loét của bệnh nhân vẫn chưa liền.

“Bệnh nhân này bị loét giác mạc cả hai mắt. Đây là trường hợp chúng tôi rất ái ngại bởi dù có thể điều trị khỏi vết loét, bệnh vẫn có thể để lại sẹo và khiến thị giác giảm sút”, vị chuyên gia này nói.

Kính áp tròng không làm tăng độ cận

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định thông tin việc đeo kính áp tròng làm tăng độ cận thị là không chính xác.

“Chúng tôi cũng chỉ định cho một số trường hợp sử dụng kính áp tròng để kiểm soát tốc độ cận. Ví dụ, kính áp tròng mềm loại đa tiêu cự vẫn thường xuyên được các bác sĩ sử dụng làm biện pháp hạn chế tốc độ tăng cận ở trẻ em”, bác sĩ Hiền cho biết.

Do đó, người đeo kính áp tròng hoàn toàn không có nguy cơ bị tăng độ cận do sử dụng sản phẩm này.

kinh ap trong co tang do can anh 2

Kính áp tròng không phải nguyên nhân gây tăng độ cận. Ảnh minh họa: Contactsdirect.

Theo bác sĩ Hiền, thị trường hiện có rất nhiều loại kính áp tròng. Tuy nhiên, chuyên gia của Bệnh viện Mắt Trung ương chia sản phẩm này có 3 loại chính gồm kính áp tròng mềm, kính áp tròng cứng ban ngày và kính áp tròng cứng chỉnh hình giác mạc đeo ban đêm.

Trong đó, kính áp tròng mềm sử dụng trong các trường hợp cận thị, loạn thị, viễn thị hoặc một số vấn đề liên quan thẩm mỹ như bệnh nhân bị sẹo giác mạc, tạo màu…

Kính áp tròng cứng ban ngày được sử dụng để đeo lúc thức, điều trị các tật cận thị, loạn thị, viễn thị cho bệnh nhân.

Một loại khá thịnh hành thời gian gần đây là kính áp tròng cứng chỉnh hình giác mạc đeo vào ban đêm. Loại kính áp tròng này được khá nhiều bác sĩ và bệnh nhân sử dụng nhằm điều chỉnh tật khúc xạ tạm thời.

Tuy nhiên, nhược điểm của kính áp tròng ban đêm là sản phẩm này được sử dụng khi mắt trong trạng thái nhắm. Lúc này, môi trường trong mắt rất dễ bị viêm nhiễm nếu kính không sạch sẽ. Người dùng có thể bị nhiễm khuẩn hay các loại nấm, ký sinh trùng...

Do đó, người sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn bảo quản, tháo lắp kính, nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên và đi khám đúng hạn để được phát hiện sớm những biến chứng nếu có.

Đặc biệt, bác sĩ Hiền cho hay để kính đạt hiệu quả tối đa, người sử dụng phải đảm bảo thời gian ngủ khi đeo kính ít nhất 8 tiếng mỗi đêm.

“Khi sử dụng kính áp tròng, người bệnh phải tuân thủ đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Với bất kể loại kính áo tròng nào, người dùng đều phải đảm bảo việc vệ sinh, bảo quản và tháo lắp an toàn. Ngoài ra, chúng ta cần đeo kính theo chỉ định và kiểm soát của bác sĩ”, bác sĩ Hiền nhấn mạnh.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ có vấn đề về mắt

Khi thấy con có những vấn đề như thường xuyên dụi mắt, ngồi gần tivi, nhạy cảm với ánh sáng, bạn nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm