Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết bệnh nhân là N.T.Đ., nữ, 73 tuổi, trú tại Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bà Đ. chưa có nhiều tiến triển.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương nặng ở gan và thận.
Qua xét nghiệm và tìm hiểu tiền sử bệnh lý, bác sĩ Nam chẩn đoán bà Đ. bị tổn thương do ngộ độc thuốc nam. Người này đã lớn tuổi, mua nhiều nguồn khác nhau nên không nhớ lấy thuốc từ cơ sở nào.
Bác sĩ Nam thăm khám cho bệnh nhân Đ. tại khoa Cấp cứu. Ảnh: ĐT. |
Bệnh nhân có tiền sử viêm khớp, viêm gan B nhiều năm, phát hiện suy thượng thận cách đây 2 tháng. Bà Đ. cho biết mình đã uống thuốc nam điều trị viêm gan B một thời gian dài. Với viêm khớp, bệnh nhân cũng mua thuốc nam sử dụng kết hợp thuốc được bác sĩ chỉ định.
Bác sĩ Nam đánh giá: "Tình trạng tổn thương gan, thận của bệnh nhân rất nặng. Chúng tôi đã hỗ trợ thuốc để ổn định chức năng gan, thận đồng thời điều trị các bệnh nền cho bà Đ. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân chưa tiến triển nhiều. Nếu có dấu hiệu tăng nặng, chúng tôi sẽ xem xét phương án lọc máu cho bệnh nhân".
Theo vị chuyên gia này, thuốc nam ở các cơ sở chính thống, được Bộ Y tế cấp phép có hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, những cơ sở "lang băm", không rõ nguồn gốc có thể trộn thêm các chất khác trong Tây y. Các chất này có khả năng đã bị Bộ Y tế cấm nhưng có tác dụng giảm đau nhanh.
Do đó, bác sĩ Nam khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám ở các cơ sở y tế uy tín, được Bộ Y tế cấp phép. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Thời gian gần đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhập liên tiếp nhiều trường hợp phải nhập viện do uống thuốc nam, sản phẩm không rõ nguồn gốc.