Theo kết quả điều tra ban đầu, đây là một vụ án cố ý gây thương tích. Có đến ba người cùng tham gia đánh ông Nguyễn Khắc Hiếu (thôn Phương Tân, Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam).
Bị vây đánh trong đêm
Khoảng 1h ngày 9/12/2011, do nghi ngờ ông Hiếu có ý định xông vào nhà đánh mình nên ông Trịnh Xuân Hiền (trú cùng địa phương) gọi điện thoại cầu cứu Nguyễn Thanh Cường (ở cùng thôn). Cường rủ thêm Hoàng Tấn Quốc đến “giải cứu”. Khi đến gần nhà ông Hiền, hai người thấy ông Hiếu cầm rựa chạy ra. Phát hiện có người, ông Hiếu liền ném cục đá về phía Cường và Quốc rồi chạy núp vào một nhà vệ sinh gần đó.
Cường cầm theo một đoạn tre dài khoảng 1,5 m, còn ông Hiền cầm một đoạn tuýp sắt rồi cùng Quốc đi tìm đánh ông Hiếu. Trước khi đi, ông Hiền bảo với Quốc và Cường: “Đi tìm ông Hiếu đánh, có chuyện chi chú lo”. Phát hiện nơi lẩn trốn của ông Hiếu, ba người chia ra ba hướng bao vây. Thấy có người rọi đèn pin, ông Hiếu liền dùng vỏ chai và đá ném ra bên ngoài nhưng không trúng ai. Cường liền dùng thanh tre đập mạnh vào tấm tôn.
Bị lộ, ông Hiếu cầm rựa quơ vào người Cường để thoát ra ngoài nhưng không trúng nên bị người này dùng gậy tre đánh trúng vào người. Trong lúc giằng co, rựa trên tay ông Hiếu bị vướng vào dây điện, rớt xuống đất, bản thân ông cũng bị ngã.
Ông Hiếu bị đánh thương tật 41% đang phải điều trị tại BV Chấn thương Chỉnh hình Đà Nẵng. |
Theo lời khai của Quốc tại cơ quan điều tra, thấy ông Hiếu ngã, ông Hiền liền tước bỏ rựa, vứt ra xa, đồng thời dùng tuýp sắt đánh vào đầu nạn nhân. Mặc dù ông Hiếu đã ôm đầu nhưng Hiền vẫn đánh vào bụng và chân. Riêng Cường có đánh một gậy vào chân. Ông Hiền quay sang nói với Cường: “Đánh cho ổng chết luôn”. Quốc rọi đèn pin, thấy máu chảy ra từ đầu ông Hiếu nên khuyên can hai người dừng tay. Ông Hiền bảo Quốc và Cường đứng lại chờ, còn mình đi báo chính quyền.
Tuy nhiên, ông Hiền lại chạy ra đường la làng rằng: “Ông Hiếu phá làng, phá xóm”. Một người dân biết sự việc nên đã gọi điện thoại trình báo chính quyền. Trong khi chờ chính quyền đến giải quyết, ông Hiền quay lại chỗ cũ, cầm tuýp sắt đưa cho Cường nói: “Đánh cho ông Hiếu què cặp chân luôn đi”. Nghe vậy, Cường dùng tuýp sắt đánh ba cái vào đùi trái ông Hiếu. Đánh xong, Cường đưa tuýp sắt lại cho ông Hiền rồi bỏ đi ra ngoài đường, ông Hiền cũng bỏ về nhà. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã đến hiện trường, đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Theo Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam, ông Hiếu bị tỉ lệ thương tật 41%.
Hai lần tạm đình chỉ
Theo trình bày của ông Hiếu, từ khi xảy ra vụ án đến tháng 1/2013 (tức hơn một năm), công an huyện vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án. “Tôi nhiều lần gặp điều tra viên để hỏi nhưng anh này chỉ trả lời là đang điều tra. Không đồng ý với sự chậm trễ này, tôi đã gửi đơn đề nghị thay đổi điều tra viên”, ông Hiếu nói.
Ngày 15/1/2013, Công an huyện Thăng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời trưng cầu giám định thương tật bổ sung đối với ông Hiếu để xác định “từng phần thương tích”. Đến ngày 15/5, công an huyện lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với lý do “chưa xác định được bị can”. Cụ thể, không xác định rõ ai là người đánh ông Hiếu bị thương tích nặng. Sau đó, vụ án được chuyển giao cho một điều tra viên khác thụ lý.
Bản giám định bổ sung thương tích xác định rõ: Trong tỉ lệ thương tật nêu trên thì phần thương tật do ông Hiếu bị đánh bằng tuýp sắt là: 38%. Ngày 7/6, công an huyện ra quyết định phục hồi điều tra và quyết định khởi tố bị can đối với ông Hiền và Cường về tội cố ý gây thương tích, đồng thời chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị phê chuẩn. Tuy nhiên, VKS huyện không phê chuẩn mà yêu cầu “làm rõ những chứng cứ thu thập tại hiện trường…”.
Theo điều tra viên, cơ quan công an đã tiến hành nhiều bước cần thiết như thực nghiệm hiện trường, ghi âm lời khai của các đối tượng liên can… Cơ quan công an cũng đã nhiều lần chuyển hồ sơ sang VKS nhưng đều không được phê chuẩn.
“Hiện cơ quan công an đã hoàn thành các biện pháp điều tra, chỉ còn chờ VKS phê chuẩn. Trước đó, ba cơ quan gồm VKS, công an và tòa án đã có cuộc họp trao đổi về vụ án nhưng chưa thống nhất quan điểm”, điều tra viên thông tin thêm.
Ngày 7/8, công an huyện đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do “mặc dù đã xác định được bị can nhưng VKS vẫn chưa phê chuẩn nên xem như chưa xác định được bị can”. Gần đây, ngày 4/12, công an huyện đã tiến hành phục hồi điều tra vụ án nhưng gia đình người bị hại đang rất lo lắng vì chưa rõ tới đây vụ án có được xử lý rốt ráo hay không? PV đã liên hệ với VKS huyện Thăng Bình để tìm hiểu thêm sự việc nhưng đại diện cơ quan này chỉ cho biết “hiện vụ án đang trong giai đoạn điều tra nên chưa thể cung cấp gì thêm”.
Gia đình điêu đứng
Gần hai năm qua, ông Hiếu phải thường xuyên nhập viện để điều trị vết thương ở đầu và chân. “Tất cả tài sản trong gia đình tôi đã bán hết để chữa bệnh. Nhưng vết thương ở chân trái vẫn chưa phục hồi nên tôi phải thường xuyên tập vật lý trị liệu” - ông Hiếu cho biết. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai tảo tần của người vợ (56 tuổi) và bà phải đi giúp việc để lo tiền thuốc thang cho chồng.
Riêng người con trai lớn của ông vừa nhập học Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng được mấy ngày thì phải bỏ học giữa chừng để về đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi cha…
Không phê chuẩn phải nêu rõ lý do
Vụ án xảy ra đã hai năm nên theo tôi, các cơ quan tố tụng địa phương không nên kéo dài hơn nữa. Trong trường hợp VKS tiếp tục không phê chuẩn thì phải có văn bản nêu rõ lý do kèm theo những yêu cầu điều tra bổ sung cụ thể. Nếu VKS huyện không làm đúng vậy thì cơ quan điều tra hoặc gia đình người bị hại có thể đề nghị các cơ quan cấp trên xem xét, xử lý.
Luật sư Nguyễn Tấn Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM