Khi được hỏi về quyết định này, hai nữ biên tập viên đều cho biết đã suy nghĩ từ lâu nhưng từ sự kiện bé Hải An mới quyết tâm đến đăng ký. "Cả hai chúng tôi đều mong muốn câu chuyện được tiếp tục lan tỏa", BTV Hồng Nhung cho hay.
Biên tập viên Mai Trang chia sẻ: "Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 16.000 người bị suy tim, gan, thận, phổi,… đang chờ được ghép tạng. Số người chờ được ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng là 6.000 người. Thế nhưng, trong 5 năm qua, chỉ có khoảng 25 trường hợp đồng ý hiến tạng khi chết não. Tôi giật mình khi thấy khoảng cách từ con số của những người cần ghép tạng đến số người tình nguyện hiến, và số ca ghép tạng thành công quá khác biệt."
Biên tập viên Hồng Nhung (mặc trang phục đầm hoa) và biên tập viên Mai Trang (mặc trang phục áo trắng) đăng ký hiến mô/ tạng sau khi chết/ chết não. Ảnh: NVCC |
Ý định về việc hiến mô/tạng của biên tập viên Hồng Nhung đã được cô ấp ủ cách đây 3 năm nhưng vì nhiều công việc khác nhau chưa thể thực hiện. "Câu chuyện về bé Hải An nhắc nhớ tôi về một lời hứa chưa tròn. Dù chưa báo với gia đình trước khi đi đăng ký nhưng may mắn mọi người đều tán đồng. Tôi tin đó là việc nên làm", biên tập viên chương trình Café Sáng với VTV3 tâm sự.
Cả hai nữ biên tập viên đều đồng ý hiến tất cả các mô và tạng có thể nếu không may chết não, qua đời, với ước mong khi trở về cát bụi vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không phân biệt giới tính, tín ngưỡng, địa vị xã hội đều có thể hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não và hiến xác.