BSCKII Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện, cho hay bệnh nhân đầu tiên là chị H.T.H (36 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) sống chung với bệnh trĩ đã 12 năm. Thời gian gần đây, người phụ nữ này nghe nhiều người quen giới thiệu nên đi điều trị bằng thuốc nam.
Tuy nhiên, sau khi đắp thuốc, bệnh không những không khỏi mà càng ngày chị H càng đau nhiều hơn. Đến ngày điều trị thứ 6, chị H. không chịu nổi nên đã bỏ về và vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Các bác sĩ phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Phú Thọ. Ảnh: BSCC |
Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân L.T.H.N (36 tuổi, trú tại Phù Ninh, Phú Thọ) phát hiện bệnh trĩ khoảng hơn một năm nay. Lúc đầu khi đi khám, bệnh trĩ của chị mới ở giai đoạn 1,2 nhưng vì tâm lý e ngại bệnh ở vùng nhạy cảm nên chị không điều trị tại bệnh viện. Nghe người quen mách bảo đắp thuốc nam sẽ khỏi bệnh, chị N. đã nhờ người mua thuốc từ trong miền Nam gửi ra để tự điều trị.
Theo lời kể của bệnh nhân, loại thuốc đã mua gồm một gói màu xanh được quảng cáo là bôi cho rụng trĩ, sau đó dùng gói màu trắng giúp vết thương mau lành. Tuy nhiên, chỉ sau khi đắp thuốc được 4 ngày, bệnh nhân đau vật vã không chịu nổi và phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Hai trường hợp này được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật cắt trĩ và may mắn được cứu chữa kịp thời trong ngày 18/9.
Hiện nay, ngoài điều trị bệnh trĩ theo y học hiện đại, y học cổ truyền cũng được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ y học cổ truyền không được tự chữa bằng các bài thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc gây hậu quả nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Quang Hòa cũng khuyến cáo người dân khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.