Ngày 24/8, ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.T.H. (45 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM). Người này được tiêm tế bào gốc tại thẩm mỹ viện ở quận 2. Một ngày sau, khuôn mặt của bệnh nhân nổi nốt sần đỏ, sưng phù. Bệnh nhân thứ 2 (nữ, 40 tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng tương tự.
Bác sĩ Tú cho biết tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ.
Bệnh nhân nhập viện cấp cứu do biến chứng sau khi tiêm tế bào gốc. Ảnh: Lan Anh. |
“Sản phẩm các thẩm mỹ viện, spa tiêm cho hai bệnh nhân không có tế bào gốc sống. Các thành phần này còn gây phản ứng trên cơ thể”, bác sĩ Tú giải thích.
Trong lĩnh vực thẩm mỹ, tế bào gốc được nghiên cứu điều trị lão hóa da, sẹo xấu, sẹo bỏng. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng cần được chứng minh khoa học, rõ ràng trước khi áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, chúng ta không kiểm soát được sự phát triển của tế bào gốc trong cơ thể. Đây có thể là nguyên nhân xuất hiện các khối u thứ phát.
Trung bình mỗi tháng, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu, tiếp nhận 5-7 bệnh nhân bị tai biến khi sử dụng sản phẩm tế bào gốc dạng tiêm, thoa, uống. Việc điều trị những trường hợp này thường mất nhiều thời gian. Một số người có di chứng trên da không thể hồi phục.