Mệt mỏi, căng thẳng là tình trạng chung của nhóm nhân sự phải gồng gánh thêm công việc vào những tháng sát Tết. |
2h, Trúc Anh (23 tuổi, quận Tân Phú), làm việc trong một agency quảng cáo, vẫn miệt mài sửa lại nội dung bài đăng theo ý của sếp và khách hàng. 3 tháng cuối năm là thời gian bận rộn nhất với những nhân viên trong ngành sáng tạo như cô.
“Đây là mùa lễ hội, thương hiệu nào cũng muốn đẩy mạnh nhận diện và doanh thu nên đặt chiến dịch truyền thông rất nhiều. Khối lượng công việc của tôi tăng thêm 50%, deadline chồng chất từ cuối tháng 10 và ngày càng nặng hơn”, Trúc Anh chia sẻ.
Hết giờ hành chính, cô không ở lại tăng ca như các đồng nghiệp mà về nhà để tìm không gian yên tĩnh, tiếp tục xử lý các đầu việc. Đến 10h, nhằm tránh ngủ gục, cô và một số đồng nghiệp thân thiết gọi video để họp và cùng làm chung.
Không chỉ riêng Trúc Anh, đây là tình hình chung với những người làm trong ngành truyền thông, quảng cáo và các công việc liên quan đến sáng tạo. Phần lớn đều gia tăng áp lực, miệt mài chạy KPI khi bước vào mùa lễ hội nhưng mỗi người có những cách khác nhau để giảm bớt sự căng thẳng.
Đuối sức vì deadline
Mỗi ngày của Trúc Anh bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 3h. Gần hai tháng nay, trừ chủ nhật “dễ thở” hơn, hôm nào cô cũng trong trong trạng thái đi sớm về muộn. Trong thời gian ngắn phải gồng gánh lượng công việc tăng gấp đôi các tháng trước, nữ nhân viên văn phòng không tránh khỏi mệt mỏi và căng thẳng kéo dài.
Dù biết việc chạy deadline xuyên đêm khá hại sức khỏe, cô vẫn không thể đứng ngoài guồng quay tất bật. Những ngày bận rộn này gần như quyết định đến 50-60% kết quả công việc trong cả năm qua của cô.
Trúc Anh kiệt sức với lượng công việc đổ dồn vào 3 tháng cuối của năm 2022. Ảnh: NVCC. |
"Những tháng trước thong dong bao nhiêu thì hiện tại phải nỗ lực cày cuốc bấy nhiêu. Mỗi ngày ngoài công việc, chỉ mong có đủ thời gian cho ăn, ngủ nữa mà thôi", cô than thở.
Gần đây, nữ nhân viên 23 tuổi phải hủy bớt cuộc hẹn với bạn bè vì không sắp xếp được thời gian rảnh.
“Mọi người nói nhìn tôi thiếu sức sống hẳn đi, mắt thâm quầng. Nhưng đây là năm đầu tiên làm nhân viên chính thức, lại sắp nhận thưởng Tết nên tôi muốn cố gắng thêm chút để có kỳ nghỉ trọn vẹn”, Trúc Anh nói.
Cũng làm việc trong ngành quảng cáo, hơn 2 tháng nay, Thịnh Đàm (26 tuổi, quận Bình Thạnh) luôn mang theo chiếc laptop bên mình kể cả lúc đi chơi.
Phần lớn của các dự án trong lĩnh vực marketing, bao gồm tư vấn chiến lược, viết nội dung, booking, lên kế hoạch đều xoay quanh những tháng cuối năm.
Đàm cho biết đây là thời gian cao điểm với những nhân sự trong ngành này khi các nhãn hàng bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch quảng bá vào mùa lễ hội. Với các dự án đang nắm, khối lượng công việc của anh tăng khoảng 20-30% so với thông thường.
Điều này không chỉ khiến giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn mà Đàm cũng phải gạt bớt những sở thích cá nhân.
Nhưng bù lại, mức thu nhập hàng tháng của anh cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung của nhiều doanh nghiệp.
Gần đây, Đàm nhận thêm mảng xây thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm. Tổng cộng, anh đang nắm khoảng 3-4 hạng mục. Là một freelancer, không có tháng lương 13 và thưởng Tết như những nhân viên toàn thời gian, anh phải chủ động tăng thu nhập với hy vọng có khoản dư cho các dịp lễ.
“Tôi thấy mình không đơn độc trong cuộc đua cuối năm. Mọi người xung quanh tôi đều cố gắng ‘cày’ nhiều hơn, ôm công việc nặng hơn. Thậm chí, chúng tôi còn hẹn nhau ra quán cà phê để cùng nhau chạy deadline”.
Theo anh, những vấn đề như stress ảnh hưởng khá nặng nề đến cuộc sống sau giai đoạn "cày cuốc". Có những trường hợp ôm quá nhiều việc dẫn đến không hoàn thành, làm chậm tiến độ dự án của khách hàng.
Giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn của Thịnh Đàm bị đảo lộn vì deadline gấp, đầu việc tăng lên. Ảnh: NVCC. |
Tìm cách giảm áp lực
Phương Hà (26 tuổi, quận 7) cho rằng để "về đích" thành công, mỗi người phải tạo sức bền cho mình bằng cách luyện tập cả năm chứ không đợi "nước đến chân mới nhảy".
"Mất thăng bằng một phần là do bản thân đã quen với nhịp làm việc không mấy gò bó trong năm, khi những hạng mục bất ngờ tăng lên, mọi người sẽ dễ bị đuối. Từ lúc biết dàn trải KPI đều cho mỗi tháng, tôi thấy nhẹ nhõm hơn vì sắp đạt được 100%", Hà chia sẻ.
Phương Hà tập làm quen với áp lực nên không gặp quá nhiều khó khăn vào 3 tháng cuối năm. Ảnh: NVCC. |
Hơn 2 năm làm việc tại bộ phận định vị sản phẩm, đôi khi cô cũng phải lược bỏ những buổi tập cardio 1 tiếng mỗi ngày, sở thích chạy marathon và đọc sách vì đi làm về trễ.
“Quý cuối của năm là lúc công ty tôi tập trung nhiều vào các dự án ra mắt sản phẩm mới, đẩy nhanh doanh số nên lượng task tăng lên đáng kể. Ngoài bận rộn hơn, nhìn chung, mọi thứ vẫn trong mức có thể kiểm soát”, Hà nói.
Nữ nhân viên văn phòng cho biết thêm không chỉ cô, mọi người trong nhóm cũng phải "chạy nước rút" để kịp tiến độ, hoàn thành mục tiêu.
“Sếp tôi cũng khuyến khích nhân viên lên kế hoạch nghỉ ngơi xen kẽ để tránh kiệt sức. Dù vậy, ai cũng biết điều này rất khó”, cô nói.
Tương tự, càng gần cuối năm, công ty của Vũ Thị Phương (21 tuổi, quận Tân Phú) càng chạy đua quyết liệt hơn để đạt KPI năm. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả nhân sự trong bộ phận marketing của cô phải đôn đốc thêm nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy doanh số.
Theo lời Phương, ngoài những nhiệm vụ hàng ngày, tần suất đi công tác, lịch sự kiện cũng tăng đáng kể.
“Với lịch công tác thường xuyên, tôi đành đánh đổi thời gian cá nhân cho công việc nhiều hơn. Thông thường, tôi chỉ làm việc 5 ngày/tuần, 2 ngày còn lại để nghỉ ngơi, dành cho sở thích riêng. Còn bây giờ cuối tuần có sự kiện, tôi vẫn phải đi làm”, Phương nói cùng Zing.
Theo Vũ Thị Phương, không dễ để cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc trong thời điểm này. Ảnh: NVCC. |
Theo Phương, khá khó để cân bằng cuộc sống cá nhân và khối lượng công việc dày lên khi bước vào những dịp lễ cuối năm.
Thay vì cố gắng thỏa mãn hai nhu cầu trên, cô gái tìm cách giảm bớt căng thẳng ở thời điểm này.
“Tôi lên kế hoạch hàng ngày kỹ hơn, càng chi tiết càng có động lực làm việc. Đồng thời tập trung tối đa để hoàn thành trong 8 tiếng tại công ty, tránh trì hoãn sang hôm sau khiến các đầu việc chồng chất lên nhau”, Phương cho hay.
Còn với Trúc Anh, để giảm tình trạng kiệt sức, cô đã thay đổi thời gian biểu từ tuần trước.
Theo đó, cô chỉ làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, dành riêng ngày chủ nhật để ngủ bù, tập thể dục và lên lịch cho tuần mới. Ngoài ra, Trúc Anh cũng tập thói quen sắp xếp công việc theo thứ tự phải giải quyết trong ngày và phân cấp bậc ưu tiên cho từng mục.
Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.