Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai thiếu nữ gây hỗn loạn phố đi bộ: Rảnh rỗi sinh nông nổi?

"Các bạn trẻ có mặt hô hào, cổ vũ vì điều gì?" là câu hỏi đặt ra của không ít người sau sự việc hai thiếu nữ gây hỗn loạn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM.

Tối 3/8, hàng trăm người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) trở nên náo loạn khi có thông tin hai nhóm thanh niên nam nữ (được cho là đối thủ) sẽ kéo đến đánh nhau. Những người không liên quan cũng có mặt đông đảo ở địa điểm này. 

Theo tìm hiểu, nguyên nhân xảy ra vụ việc trên là do hai cô gái tên H.V và V.H.T.V có mâu thuẫn nên hẹn gặp để "giải quyết mọi chuyện". Thông tin này được hai thiếu nữ đăng trên trang cá nhân. Nhiều bạn bè của "nhân vật chính" từ đó nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ và hứa sẽ trợ giúp.

Khó hiểu vì “sức hút” của hai bạn trẻ

Trước sự việc này, nhiều người thắc mắc, chỉ hai cô gái tại sao có thể lôi kéo được hàng trăm người tập trung tại một địa điểm, gây mất trật tự đến thế? Không hiểu giới trẻ đang nghĩ gì hay chỉ muốn hùa theo cho vui, thỏa mãn sự hiếu kỳ?

Thành viên Lê Anh bày tỏ quan điểm, đám đông hùa vào là hành động hết sức nhảm nhí. "Tôi từng nghe, việc cả đoàn người chạy theo thần tượng hò hét, bày tỏ sự hâm mộ, cuồng nhiệt. Nhưng trong việc này, họ chạy theo cổ vũ vì điều gì?" - anh viết.

Đám đông hiếu kỳ kéo đến phố Nguyễn Huệ sau khi biết thông tin từ hai cô gái. Ảnh: FB.

Chưa rõ lý do xích mích của hai cô gái là gì, nhưng hành động của đám đông khiến không ít người tỏ ra bất bình. Mạnh Hoàng thắc mắc: “Không hiểu sao trên Facebook, mọi người lại ủng hộ hành động này? Còn hai nhân vật chính, muốn đánh thì kéo nhau ra chỗ khác. Sao lại gây sự chú ý ở nơi công cộng, làm ảnh hưởng và hoang mang tâm lý biết bao người có mặt?”.

Thêm vào đó, một số bạn trẻ có ngoại hình nổi bật, xuất hiện tại đường Nguyễn Huệ thời điểm ấy cũng chịu ảnh hưởng không kém như bị dân tình xô đẩy, lực lượng chức năng quy tập để giải quyết.

Không quy chụp tất thảy những ai đang trong lứa tuổi đôi mươi, nhưng những hình ảnh và sự vụ này đều gây ảnh hưởng tới quan niệm của người lớn tuổi về một tầng lớp giới trẻ.

Thành viên Đông Triều bày tỏ: “Tiếc cho các bạn! Ngày xưa, không Facebook, không điện thoại thông minh, đâu ra nhiều vụ thế này? Thay vì làm vậy, tại sao các bạn không làm những việc ý nghĩa hơn như kiếm tiền, vận động ủng hộ đồng bào bão lũ? Phải chăng, gia đình thừa điều kiện nên rảnh rỗi sinh nông nổi?”.

Đồng quan điểm với Đông Triều, nhiều người cho rằng, ngoài việc các bạn trẻ giải quyết xích mích, thỏa mãn tính hiếu kỳ, việc này còn gây hoang mang với những người thuộc tầng lớp trung niên.

Kẻ kích động bạo loạn có thể bị xử lý theo pháp luật

Trước hiện trạng trên, TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - bày tỏ quan điểm cá nhân về thực trạng cách sống của giới trẻ Việt.

Bà chia sẻ: “Điều tôi nhìn thấy trong sự việc này là thực chất của cuộc sống thanh niên hiện nay. Các em quá thiếu thốn sân chơi, thiếu định hướng cuộc sống". Bà cho biết, trên thực tế, nếu phỏng vấn 100 thanh niên thì có đến 99 em không biết mình muốn gì và định hướng sau này sẽ làm gì, sống thế nào?

Bởi vậy, khi có sự việc nào đó xảy ra, thay vì cần có thái độ đúng đắn, các bạn trẻ lại coi đó là trò chơi thú vị và hào hứng tham gia, mà nhiều khi không biết mình đã vi phạm pháp luật.

Theo luật pháp Việt Nam quy định, người phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 sẽ bị phạt tiền 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm... Các em học sinh này đã thực sự thiếu hiểu biết, dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát nghiêm trọng.

Ngoài việc gây rối trật tự công cộng, việc hai cô gái này lên Facebook lôi kéo sự chú ý cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp cơ quan điều tra có đủ chứng cứ về những kẻ tổ chức kích động quần chúng gây bạo loạn, những kẻ này sẽ bị truy tố theo Điều 82, tội Bạo loạn của Bộ luật Hình sự với nội dung: "Người tổ chức bạo lực, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5 đến 15 năm".

"Tôi nghĩ nếu các em ấy biết điều này, chắc chắn sẽ không có sự vụ ầm ĩ đó xảy ra” - bà Vũ Thu Hương chia sẻ.

'Bún mắng' giáo dục: Hễ giỏi là có quyền chửi?

Tại một số trung tâm ngoại ngữ, luyện thi đại học và các lớp dạy thêm, những dịch vụ cung cấp kiến thức cho người học bên ngoài hệ thống nhà trường.

Nhật Ánh

Bạn có thể quan tâm