Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 6 đợt. Ảnh: VNU. |
Sáng 6/6, thông tin tới Tri Thức - Znews, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết tổng số lượt đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2024 là 104.575, trong đó có 96,2% lượt thi thành công. 21 thí sinh bị kỷ luật cho vi phạm quy chế.
Phổ điểm bài thi của 100.633 lượt thi (bao gồm 32,2% thi lần thứ hai) có dạng phân phối chuẩn với trung vị tại 76/150 điểm. Điểm trung bình là 76,5, độ lệch chuẩn là 13,3.
Điểm cao nhất của kỳ thi năm 2024 là 129/150, thấp hơn 4 điểm so với thủ khoa năm ngoái. Hai nữ sinh Nguyễn Thanh Ngọc (trường THPT Kim Liên, Hà Nội) và Nguyễn Mai Trúc (trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) là thủ khoa năm nay.
Tiếp đến là hai thí sinh có cùng mức điểm 128, gồm Trần Duy Hưng (trường THPT Nguyễn Du, Thái Bình) và một học sinh ở Ninh Bình.
Hai thí sinh đạt 127 điểm là Trần Thị Nguyên Hà (trường THPT Nguyễn Du, Thái Bình) và Hoàng Văn Hòa (trường THPT Vĩnh Chân, Phú Thọ).
Tỷ lệ thí sinh đạt trên 110 là 0,8%; đạt trên 105 chiếm 1,9%; trên 100 điểm là 4,5%; trên 90 đạt 16,0%; từ 80 trở lên chiếm 38,6%; từ điểm 75 đạt 53%. Thí sinh thấp điểm nhất đạt 17/150 điểm. Ở các mức điểm cách nhau 5 đơn vị (75, 80, 85, 90, 95, 100, 105, 110…) có bước nhảy rõ rệt giúp phân loại thí sinh, phục vụ công tác xét tuyển.
"Mặc dù lượt thí sinh dự thi tăng khoảng 15-25%, điểm trung bình và trung vị tương đối ổn định trong 3 năm trở lại đây", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.
Phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 6 đợt, tổ chức từ ngày 23/3 đến 2/6 tại nhiều tỉnh, thành (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh).
Ngoại trừ Hà Nội, Nam Định là tỉnh có số thí sinh đăng ký nhiều nhất, kế đó lần lượt là Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Cấu trúc bài thi trên được triển khai từ năm 2021, thời gian làm bài chính thức là 195 phút.
Từ phổ điểm, ông Thảo dự báo điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực dự kiến bằng hoặc thấp hơn những năm trước đây nếu như chỉ tiêu và phương thức xét tuyển của các trường đại học không thay đổi.
Hiện tại, khoảng 90 đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.