D-dimer là một xét nghiệm sinh hóa, được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu. Ảnh: Shutterstock. |
AstraZeneca mới đây đã thừa nhận vaccine Covid-19 của mình có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây ra các cục máu đông. Đây là nguyên nhân gây tắc mạch máu, dẫn đến suy giảm trí nhớ, đau đầu, đau tim, thậm chí đột quỵ.
Tại Việt Nam, AstraZeneca là vaccine phòng Covid-19 được tiêm đầu tiên và nhiều nhất. Thừa nhận gần đây của hãng dược phẩm này khiến không ít người hoang mang vì đã tiêm từng tới 2 mũi vaccine AstraZeneca.
Thậm chí, trên mạng xã hội, một số ý kiến còn cho rằng những ai từng tiêm vaccine này nên đi xét nghiệm D-dimer hoặc các xét nghiệm đông máu khác để yên tâm.
D-dimer là một xét nghiệm sinh hóa, được dùng để kiểm tra tình trạng huyết khối trong máu.
Suy nghĩ sai lầm
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, việc làm này là không cần thiết, hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở khoa học, tốn thời gian và tốn tiền.
"Người nào đưa ra cảnh báo rằng nên đi xét nghiệm D-dimer để xem chức năng đông máu có bị ảnh hưởng bới việc tiêm vaccine AstraZeneca là người suy đoán vô căn cứ", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Bác sĩ cho hay tác dụng phụ gây đông máu và giảm tiểu cầu ở vaccine Covid-19 của AstraZeneca chỉ xảy ra với xác suất rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ người bị tác dụng phụ khi tiêm vaccine hãng này là rất hiếm.
Bên cạnh đó, D-dimer sinh ra trong quá trình cục máu đông trong cơ thể phân hủy và tan rã. Quá trình tạo và tan cục máu đông diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ.
Hai tình huống nếu có huyết khối sau tiêm vaccine
Bác sĩ Hoàng cũng phân tích 2 tình huống nếu một người gặp tác dụng phụ gây đông máu sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Trường hợp đầu tiên là cục máu đông lớn, gây biến cố như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Lúc này, người bệnh có thể biết ngay mình cótác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.
Trường hợp 2 là cục máu đông nhỏ. Lúc này, cục máu đông sẽ tan dần, thường sau tối đa 4 tuần là không còn nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer trong máu.
"Đa số mọi người tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca gần nhất cũng cách đây 2 năm rồi. Nếu không xuất hiện biến cố về cục máu đông ngay lúc đó, thì dù bạn có cục máu đông hay không, cho đến nay sẽ không còn bất cứ dấu hiệu nào nữa", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Do đó, việc xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Việc xét nghiệm có thể có ý nghĩa nếu mọi người làm xét nghiệm trong vòng 6-8 tuần sau khi tiêm.
Ngoài ra, xét nghiệm D-dimer chỉ có chỉ số cao đối với các bệnh nhân tắc tĩnh mạch chi, tắc mạch phổi, đông máu rải rác động mạch hoặc đột quỵ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cũng nhấn mạnh người dân đã tiêm vaccine cách đây 2 năm không cần quan tâm về tác dụng phụ này nữa, bởi chúng chỉ xảy ra trong vòng 90 ngày sau tiêm.
Ông cũng cho hay một người bình thường vẫn có hiện tượng tăng đông, ví dụ khi bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cũng gây tiểu cầu thấp. Người dân không nên khi gặp trường hợp này lại "đổ thừa" cho việc từng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
"Nếu quá lo sợ, bạn có thể đi tầm soát bệnh đột quỵ để theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.