Ê-kíp phẫu thuật cắt bỏ quả thận phải của bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Lương Vũ, khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết ông N.V.T. (66 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng tiểu ra máu dai dẳng kèm đau âm ỉ ở vùng hông phải.
Qua các khảo sát hình ảnh, bác sĩ phát hiện tổn thương trong lòng đài bể thận phải và nghi ngờ u niệu mạc.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định nội soi niệu quản phải để sinh thiết khối bướu. Kết quả giải phẫu bệnh lý xác nhận người bệnh bị ung thư niệu mạc giai đoạn khu trú trong thận, chưa có dấu hiệu xâm lấn hay di căn.
Bác sĩ Vũ chia sẻ: "Đây là bệnh ung thư có độ ác tính cao của đường tiết niệu. Người bệnh được nhanh chóng lên kế hoạch điều trị để kiểm soát tình trạng".
Ngoài chẩn đoán ung thư, ông T. có tiền sử tăng huyết áp, di chứng yếu nửa người do tai biến mạch máu não và mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Theo chia sẻ từ gia đình, ông từng hút thuốc lá mỗi ngày khoảng một gói trong thời gian dài, dù đã giảm dần và ngưng hút 2-3 năm gần đây.
Sau khi đánh giá toàn diện, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi sau phúc mạc để cắt bỏ thận, niệu quản tận gốc và một phần bàng quang. Đây là phương án tối ưu giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và giảm nguy cơ tái phát. Nếu ca phẫu thuật thành công, người bệnh có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ đã kiểm tra kỹ chức năng thận còn lại, nhằm đảm bảo thận trái có đủ khả năng thay thế chức năng của thận phải sau khi bị cắt bỏ.
Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Các bác sĩ đã phẫu tích toàn bộ thận và niệu quản phải, thực hiện cắt bỏ hoàn toàn qua nội soi sau phúc mạc. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tư thế để thực hiện thêm một vết mổ ở vùng bụng dưới bên phải (đường mổ Gibson). Bác sĩ tiếp tục phẫu tích ngoài phúc mạc, khoét một phần bàng quang tại vị trí niệu quản cắm vào.
Toàn bộ thận, niệu quản và phần bàng quang bị ảnh hưởng đã được lấy ra thành công từ đường mổ. Ca phẫu thuật được thực hiện với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, mang lại kết quả tích cực cho người bệnh.
Bệnh phẩm sau khi thao tác, cắt lát để làm giải phẫu bệnh. Ảnh: BVCC. |
Sau ca phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân tiến triển ổn định. Vết mổ khô, chỉ thấm ít dịch, ống dẫn lưu hố thận phải và hố chậu phải ra một lượng nhỏ dịch đỏ sậm. Nước tiểu thông qua niệu đạo vàng trong và bệnh nhân đi tiểu bình thường.
Chức năng thận còn lại được đánh giá thuộc suy thận giai đoạn 3, nhưng bác sĩ Nguyễn Lương Vũ cho biết đây là mức độ chấp nhận được sau phẫu thuật. Ông nhấn mạnh nếu bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc, điều trị và theo dõi tốt, hoàn toàn có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh với chức năng thận hiện tại.
Phương pháp phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt thận niệu quản phải tận gốc và một phần bàng quang là một phẫu thuật lớn, cắt bỏ nhiều bộ phận cùng lúc, do đó cần sự phối hợp điều trị của đa chuyên khoa nhằm chuẩn bị kỹ trước phẫu thuật cũng như đảm bảo giai đoạn hậu phẫu ổn.
Kỹ thuật này giúp bệnh nhân tránh một ca phẫu thuật mở, tạo vết mổ lớn vùng hông lưng. Nội soi sau phúc mạc giúp phẫu tích trọn vẹn thận phải và niệu quản, hạn chế vấn đề vỡ bướu trong mổ, là một yếu tố nguy cơ của việc phát tán ung thư thứ phát.
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Liên Khương, Trưởng khoa Ngoại Tiết Niệu, cho hay ung thư niệu mạc trên đứng thứ 4 trong số các ung thư thường gặp của đường tiết niệu, đứng sau ung thư tuyến tiền liệt, thận và bàng quang.
Tỷ lệ mắc bệnh này gia tăng theo tuổi, thường gặp ở người trên 65 tuổi, trong đó, nhóm mắc bệnh cao nhất là 70-80 tuổi. Ngoài yếu tố tuổi tác, người hút thuốc lá (cả hút thụ động và chủ động), sử dụng quá nhiều cà phê (trên 7 ly/ngày), lạm dụng các thuốc giảm đau, thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, di truyền… cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư này.
Tiểu máu đại thể (nhìn thấy màu sắc thay đổi) hoặc vi thể (chỉ phát hiện qua xét nghiệm nước tiểu) là dấu hiệu ung thư niệu mạc thường gặp nhất, chiếm hơn 75% số trường hợp. Ngoài ra, đau hông lưng chiếm 20% do ung thư gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Đôi lúc có một số rối loạn đi tiểu do có nhiễm khuẩn kèm theo. Nếu xuất hiện đau nhức xương, có thể ung thư đã di căn.
Khoảng 15%-20% trường hợp bướu niệu mạc không có triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện nhờ khám sức khỏe. Do đó, bác sĩ khuyến cao người dân nên xây dựng thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng/lần nhằm phát hiện bệnh sớm.
Bệnh tật đến từ đâu?
Hầu hết căn bệnh đến với chúng ta đều bắt nguồn từ việc sử dụng quỹ thời gian không điều độ, cộng với chế độ ăn uống không hợp lý, gây lao lực quá mức, lại thêm những xung đột tinh thần khiến nội tâm bất an..., tất cả đều góp phần bào mòn sinh lực của chúng ta.
Quyển sách Khoan dung & Biết ơn sẽ mang đến cho bạn sự nhiệt thành và năng lượng tích cực tựa như những tia nắng ấm áp. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện mà bất kể khi nào lật giở những trang sách, bạn cũng cảm nhận sự khoan dung và biết ơn tràn đầy.