Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai vị thuốc chữa viêm mũi dị ứng tái phát khi gặp lạnh

Trong Y học cổ truyền, viêm mũi dị ứng được trị liệu bằng nhiều biện pháp với những bài thuốc và vị thuốc khác nhau, trong đó có cây cóc mẳn và ké đầu ngựa...

Viêm mũi dị ứng có biểu hiện đặc trưng nhất là nghẹt mũi và chảy nước mũi. Bệnh tái phát khi gặp thời tiết lạnh, nghẹt mũi liên tục, khụt khịt, cảm thấy ngứa trong mũi, niêm mạc mũi quá phát, sưng, viêm, vùng trán chướng đau...

Chữa viêm mũi dị ứng bằng cây cóc mẳn

Cóc mẳn là một loại cỏ nhỏ, thân mềm, mọc bò lan, cành lòa xòa mọc sát mặt đất, phân rất nhiều cành. Ở ngọn có lông trắng mịn, nhưng toàn thân trông nhẵn bóng. Lá đơn, mép có khía 1-3 răng cưa, mọc so le. Cụm hoa hình đầu, mọc ở nách lá, hoa cái gồm nhiều lớp, cánh hoa hình ống màu trắng, trên có răng cưa, tràng hoa hình chuông có 4 răng hình trứng rộng, màu hơi tím. Quả 4 cạnh, trên cạnh có lông mịn nhỏ.

Mùa hoa vào các tháng 2-5; mùa quả vào các tháng 4-7. Để dùng làm thuốc, thường thu hái toàn bộ cây cả rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y, cóc mẳn có vị cay, tính ấm, vào kinh Thủ thái âm phế; có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi; dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà, kiết lỵ, lở loét ngoài da.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cóc mẳn có tác dụng giảm ho, long đờm và chống dị ứng...

chua viem mui di ung anh 1

Viêm mũi dị ứng có biểu hiện đặc trưng nhất là nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Cách sử dụng cóc mẳn trị viêm mũi dị ứng:

- Dùng cây cóc mẳn (tươi hoặc khô đều được) vò nát, đưa vào sát lỗ mũi, hít vào sẽ hắt hơi; mỗi ngày 2-3 lần.

- Dùng cóc mẳn, tân di hoa, sắc lấy nước đặc; nhỏ mũi ngày 3-4 lần.

- Dùng cóc mẳn, xuyên khung, tế tân, tân di hoa, thanh đại, tán thành bột mịn; đưa sát vào lỗ mũi hít ngày 3-4 lần.

Chữa viêm mũi dị ứng bằng cây ké đầu ngựa

Cây ké có nhiều loại, như ké đầu ngựa, ké hoa vàng, ké hoa đào, ké đồng tiền... Trong số đó, chỉ có ké đầu ngựa được sử dụng để chữa viêm mũi với vị thuốc "thương nhĩ tử" (quả đã phơi hoặc sấy khô của cây ké đầu ngựa).

Cây ké đầu ngựa là một loài cây nhỏ, cao độ 1-2m, thân màu lục có khía rãnh, đôi khi có chấm màu nâu tía. Lá mọc so le, phiến lá có hình gần tam giác, chia thành 3-5 thùy, có lông ngắn cứng, mép khía răng cưa. Hoa hình đầu. Quả hình thoi, có gai móc, có thể móc vào lông động vật, trẻ con vẫn nghịch hái quả ké bỏ vào tóc nhau, rất khó gỡ ra.

Theo Đông y, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) có vị cay, đắng, tính ấm, hơi có độc; vào kinh Phế; có tác dụng tán phong, trừ thấp, thông khiếu, chỉ thống; chủ trị phong hàn đầu thống, tỵ uyên (mũi chảy nước tanh hôi kéo dài), phong thấp tý thống (phong thấp đau nhức), lở ngứa ngoài da...

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả ké có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, hưng phấn hô hấp, ức chế miễn dịch (chống dị ứng)...

chua viem mui di ung anh 2

Vị thuốc thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) có tác dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Cách sử dụng quả ké chữa viêm mũi dị ứng:

- Dùng một lượng thích hợp quả ké đầu ngựa, sao tới khi có màu xám, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 g, liên tục trong 2 tuần.

-Dùng bài "Thương nhĩ tử tán": Quả ké đầu ngựa 8 g, tân di 15 g, bạch chỉ 30 g. Các vị thuốc tán thành bột mịn. Sau mỗi bữa ăn uống 6 g, chiêu thuốc bằng nước sắc hành trắng và lá chè (làm thang).

Hoặc sử dụng dưới dạng thuốc sắc: Dùng các vị thuốc với liều lượng như trên, sắc uống trong ngày.

Bài thuốc "Thương nhĩ tử tán" có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi... dùng chữa mũi tắc không phân biệt rõ mùi vị, mũi chảy nước vàng đục, đau nhức ở vùng trán; trị nhiều loại viêm mũi như viêm mũi cấp tính, viêm mũi mạn tính, viêm xoang, viêm mũi dị ứng ...

Để nâng cao hiệu quả, có thể căn cứ vào biểu hiện cụ thể mà gia giảm như sau:

- Nếu mũi chảy nước vàng đặc, mùi khó chịu, đầu choáng váng, vùng trán đau kịch liệt: Thêm thạch cao sống 20 g, kim ngân hoa 10 g, cúc hoa 8 g. Thêm vào thuốc sắc, hoặc nấu cùng với hành trắng và lá trà (làm thang).

- Nếu mũi chảy nhiều nước trong, gặp thời tiết lạnh thêm tía tô, kinh giới mỗi thứ 8-10 g.


https://suckhoedoisong.vn/hai-vi-thuoc-chua-viem-mui-di-ung-tai-phat-khi-gap-lanh-169241118182629366.htm

ThS Hoàng Khánh Toàn - Nguyên Trưởng khoa Đông Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 / Sức Khỏe & Đời Sống

Bạn có thể quan tâm