Chiều 29/7, UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã ra quyết định xử phạt ông N.V.N. (50 tuổi) và bà Đ.K.H. (46 tuổi, cùng ở quận Ba Đình, Hà Nội) mỗi người 3 triệu đồng do vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng chuyển hồ sơ lên Công an quận Tây Hồ để xem xét xử lý hình sự đôi vợ chồng này về hành vi chống người thi hành công vụ.
Với những tình tiết như trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người quan tâm liệu hành vi của đôi vợ chồng này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự hay không.
Ông N. tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp. |
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) đánh giá hành vi của đôi vợ chồng thể hiện sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, coi thường lực lượng chức năng. Việc tạm giữ 2 người này tại trụ sở công an là hành động kịp thời, phù hợp quy định pháp luật.
"Nội dung clip cho thấy ông N. thách thức, không chấp hành yêu cầu của cán bộ công an, còn bà H. cho rằng cán bộ trực chốt không phải công an thật nên đã ghi hình, chỉ tay vào mặt và có lời nói không đúng mực, gây căng thẳng, ảnh hưởng an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan điều tra sẽ đánh giá hành vi cản trở hoạt động thi hành công vụ diễn ra như thế nào, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi ra sao để xem xét khởi tố vụ án hình sự Chống người thi hành công vụ", ông Cường phân tích.
Trích dẫn Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đôi vợ chồng này không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, hành vi của họ sẽ bị khởi tố nếu thuộc nhóm "thủ đoạn khác". Phân tích thêm về khái niệm này, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định nếu người vi phạm gây sự, đôi co, bắt lỗi vô lý nhằm cản trở hoạt động thi hành công vụ và được thông chốt, hành vi của họ có thể được xếp vào nhóm "thủ đoạn khác". Tuy nhiên, yếu tố này cần được xem xét khách quan dựa trên hồ sơ vụ việc.