Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai xác ướp vén màn bí ẩn hàng nghìn năm của sa mạc lớn nhất thế giới

Hai xác ướp 7.000 năm tuổi ở Libya hé lộ một dòng người cổ sống biệt lập giữa “sa mạc xanh” Sahara - nơi từng trù phú với sông hồ, cây cỏ và muông thú.

Xác ướp tự nhiên có niên đại khoảng 7.000 năm tại khu vực Takarkori. Ảnh: Sapienza University of Rome.

Gần một thế kỷ trước, nhà thám hiểm người Hungary Lászlo Almásy đã băng qua sa mạc Sahara và bất ngờ phát hiện những bức tranh kỳ lạ trong một hang đá. Trên vách hang, những hình người bơi lội ung dung hiện lên giữa khung cảnh vốn khô cằn như lò lửa. Trong khi nhiều người cho rằng đó là hình ảnh linh hồn đang trôi nổi, Almásy lại tin rằng chúng đơn thuần là hình ảnh người đang bơi, minh chứng rằng Sahara từng không phải là sa mạc.

Giờ đây, các nhà khoa học đã lần đầu tiên giải mã DNA từ hai xác ướp tự nhiên có niên đại khoảng 7.000 năm tại khu vực Takarkori, miền Nam Libya. Phân tích cho thấy họ thuộc về một dòng người chưa từng được biết đến trước đây: Một nhóm cư dân cổ đại sống biệt lập trong thời kỳ mà Sahara từng là vùng đất trù phú với sông ngòi, cây cối và muông thú. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature.

Những con người bí ẩn giữa "sa mạc xanh"

Vào cuối Kỷ Băng Hà cách đây 14.000 năm, những cơn mưa gió mùa đã biến Sahara thành một vùng đất xanh tươi – nay được gọi là “sa mạc xanh” (Green Sahara). Cảnh quan khi ấy là những đồng cỏ, hồ nước và rừng cây, nơi sinh sống của các loài như hà mã, hươu cao cổ, voi… và cả những nhóm người săn bắt hái lượm.

Chính từ thời kỳ này, các bức vẽ nổi tiếng ở dãy núi Tadrart Acacus tại Libya ra đời. Hình ảnh mô tả sinh động đời sống con người bên sông nước, động vật hoang dã và những nghi lễ.

sa mac sahara anh 1

Quang cảnh nhìn từ hang đá ở Takarkori. Ảnh: Sapienza University of Rome.

Takarkori - nơi phát hiện hai xác ướp - cũng nằm trong khu vực này. Trong một hang đá, các nhà khảo cổ từng tìm thấy 15 bộ hài cốt cùng những chiếc giỏ đan bằng cỏ vùng đầm lầy, dấu vết của môi trường ẩm ướt thời đó.

Nhờ kỹ thuật phân tích gene hiện đại, các nhà nghiên cứu đã giải mã được bộ gene hoàn chỉnh của hai người phụ nữ cổ đại từ Takarkori. Kết quả cho thấy họ không có quan hệ gần với người châu Phi hạ Sahara hiện nay. Dòng gene gần nhất lại thuộc về một nhóm người sống ở Taforalt (Maroc) cách đây 15.000 năm.

Quan trọng hơn, tổ tiên của họ đã tách khỏi dòng người hiện đại rời khỏi châu Phi cách đây tới 50.000 năm, từ rất lâu trước khi con người hiện đại lan rộng ra toàn cầu. Điều này cho thấy nhóm cư dân Takarkori là một nhánh cổ xưa, tồn tại độc lập và gần như không bị ảnh hưởng bởi các cuộc di cư từ châu Âu hay châu Á trở lại châu Phi.

Họ mang lượng DNA người Neanderthal ít hơn gấp 10 lần so với người hiện đại ở ngoài châu Phi, nhưng lại cao hơn so với các nhóm hạ Sahara. Chi tiết đáng chú ý này cho thấy dòng người này có thể bắt nguồn từ Bắc Phi, vốn đã có sự pha trộn gene từ người Neanderthal thời xa xưa.

Vết tích cuối cùng của một nền văn minh

Khoảng 5.000 năm trước, sự thay đổi trong trục nghiêng của Trái Đất khiến gió mùa rút đi và Sahara dần trở lại thành sa mạc như ngày nay. Các nhóm người từng sống ở “sa mạc xanh” buộc phải di cư, có thể góp phần hình thành nên nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Nhưng dòng người Takarkori thì biến mất, không để lại hậu duệ rõ ràng. Theo nhóm nghiên cứu, dấu vết DNA của họ vẫn còn tồn tại mờ nhạt trong một số nhóm dân cư ở Bắc Phi, nhưng phần lớn đã bị thời gian xóa nhòa.

sa mac sahara anh 2

Các hang đá ở Takarkori. Ảnh: Sapienza University of Rome.

Một điểm thú vị được rút ra từ nghiên cứu là lối sống chăn nuôi - nuôi gia súc để lấy sữa, thịt và máu - có thể đã lan rộng qua “sa mạc xanh” không phải nhờ các đợt di cư, mà qua giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng bản địa. Đây là một góc nhìn mới mẻ, thách thức các giả thuyết cũ về cách thức truyền bá của văn minh thời tiền sử.

Giáo sư Carles Lalueza-Fox, chuyên gia di truyền học tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Tây Ban Nha, nhận định: "Cho đến nay, cư dân của sa mạc xanh chỉ là hình ảnh trên những bức vẽ trong hang đá, như tại ‘Hang động những người bơi lội’ – nơi từng xuất hiện trong phim The English Patient. Giờ đây, dữ liệu di truyền mang đến cho chúng ta hình dung thực tế hơn về những con người ấy, về một hệ sinh thái đã biến mất hoàn toàn".

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thận trọng khi chỉ có hai bộ gene được phân tích. Giáo sư nhân học Mary Prendergast từ Đại học Rice (Mỹ) lưu ý: "Dù chỉ từ hai cá thể, nghiên cứu này vẫn là một đóng góp mang tính bước ngoặt. Chúng ta mới chỉ bắt đầu khám phá lịch sử phức tạp của các nhóm người châu Phi cổ đại, những dòng gene từng tồn tại nhưng nay gần như không để lại dấu vết".

IQ của Elon Musk thực sự là bao nhiêu?

IQ - thước đo gây tranh cãi - giờ đây không còn gắn với bất kỳ bài kiểm tra cụ thể nào mà đã trở thành công cụ củng cố quyền lực ở Thung lũng Silicon, theo The New York Times.

Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở

Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm