Trao đổi với Zing.vn chiều 9/3, ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết địa phương đã cắm biển báo, thường xuyên nhắc nhở du khách leo trèo đến những điểm cao, vực sâu, hạn chế số người chen chân trên cổng tò vò, vừa tránh nguy hiểm tính mạng, vừa góp phần bảo tồn di sản địa chất.
Giới trẻ chụp ảnh cưới ở thắng cảnh cổng tò vò, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng. |
Thắng cảnh cổng tò vò (hay còn gọi là cổng đá trầm tích núi lửa tự nhiên bên bờ biển thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cao 2 m, dài khoảng 5 m, thu hút hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế tham quan mỗi năm.
"Du khách đến Lý Sơn tăng đột biến nên chúng tôi quy định hạn chế số người leo lên cổng tò vò này (tối đa 5 người một lần)", ông Nghĩa nói.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia khảo cổ học, cho hay sau khi nghiên cứu, giới chuyên gia xác định cổng tò vò trên cạn ở huyện đảo Lý Sơn có niên đại khoảng 3.000-4.000 năm, cấu thành từ hoạt động phun trào núi lửa.
Tháng 10/2014, nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ cũng từng phát hiện vòm đá dung nham núi lửa cách mặt nước khoảng 6 m ở vùng biển gần bờ đảo Bé Lý Sơn. Người dân địa phương ví vòm đá này là "cổng tò vò dưới nước". Nơi đây có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, uốn cong hình vòng cung cao hơn 10 m, và kéo dài khoảng 20 m, nằm cách bờ khoảng 100 m. Đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại. Nơi này có niên đại khoảng 11 triệu năm.
Cổng tò vò dày đặc san hô dưới vùng biển gần bờ xã đảo An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: T.Lam. |
"Những vòm đá này được tạo thành từ dung nham núi lửa. Nếu không có giải pháp cấp bách bảo vệ, gìn giữ, di sản địa chất quý giá này có nguy cơ sụp đổ", ông Lâm khuyến cáo.
Ngày 8/3, trận bão lớn với con sóng mạnh đã làm sụp đổ kết cấu đá vôi đặc biệt Azure Window, một danh thắng du lịch ở quốc đảo Malta, khiến cả người dân nước này và du khách quốc tế tiếc nuối. Vòm đá vôi này dài 28 m, được hình thành do sự ăn mòn của tự nhiên. Kích thước vòm đá được tăng dần sau lần sụp đá vào khoảng các năm từ 2000-2013. Đây là địa điểm thu hút du khách khắp nơi trên thế giới khi đến Malta. Màu sắc của vòm đá, cùng màu nước biển ngọc bích trong ánh mặt trời tạo nên một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản), cho biết hoạt động núi lửa ở huyện đảo Lý Sơn xảy ra vào hai đợt chính. Đợt sớm nhất cách đây khoảng 11 triệu năm (liên quan đến quá trình tách giãn biển Đông Á vĩ tuyến 109), và gần nhất khoảng 3.000 đến 1 triệu năm liên quan hình thành vỏ trái đất, nền văn minh con người (trùng khớp thời gian với các hoạt động núi lửa tại khu vực ven biển xã Bình Châu và Ba Làng An).
Huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như miệng núi lửa kép trên đỉnh núi Thới Lới, giếng Tiền, hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò trên bờ và dưới biển... có giá trị lớn để làm du lịch. "Đây có thể xem là viện bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm hoi thế giới, xứng đáng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu", ông Hoàng khẳng định.