Đối với y tá Kim Yu-ri (38 tuổi), giấc ngủ từ lâu đã trở thành điều xa xỉ. Nuôi 2 con lần lượt 3 và 1 tuổi trong khi mất 2 tiếng đi lại từ nhà ở thành phố Yongin (tỉnh Gyeonggi) đến ga Jamsil (thủ đô Seoul), mỗi ngày của cô đều quá bận rộn.
“Tôi nghĩ mình thực sự cần ngủ 7 tiếng vào ban đêm, nhưng điều đó dường như không bao giờ xảy ra”, nữ y tá nói.
Ngay cả trước khi làm mẹ, Kim chưa bao giờ ngủ đủ giấc vì công việc ở bệnh viện lớn đòi hỏi phải làm việc 3 ca. Cô sẽ quay cuồng với đủ việc cho đến khi tan sở.
Kim không phải người Hàn Quốc duy nhất bị thiếu ngủ. Nhiều cá nhân đánh đổi giấc ngủ để thực hiện hoạt động thiết yếu hoặc không cần thiết khác, theo The Korea Herald.
Một phụ nữ đang nghỉ ngơi tại cuộc triển lãm mang tên “Giấc ngủ của tôi” ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Park Ga-young/The Korea Herald. |
Chất lượng giấc ngủ kém
Tình trạng thiếu ngủ tự nguyện và không tự nguyện dẫn đến thời gian ngủ trung bình ở Hàn Quốc là 7 giờ 41 phút trong năm 2016, ngắn hơn 41 phút so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm 38 quốc gia thành viên.
Các thống kê khác của OECD chỉ ra lý do đằng sau tình trạng thiếu ngủ kinh niên của xứ sở kim chi.
Người Hàn Quốc làm việc 1.967 giờ/năm vào 2019, nhiều hơn 241 giờ so với mức trung bình 1.726 giờ của OECD. Năm 2016, dân cư đất nước này cũng dành trung bình 58 phút để đi lại, lâu hơn đáng kể so với mức trung bình 28 phút của các quốc gia phát triển khác.
Họ cũng sống trong môi trường không thuận lợi cho việc ngủ nướng.
Ở Hàn Quốc, nơi hoàn hảo cho lối sống 24/7, mọi người có thể mua sắm, ăn uống gần như cả đêm vì nhiều cơ sở kinh doanh mở cửa muộn.
Quán cà phê xuất hiện ở khắp nơi giúp tất cả bắt kịp lối sống bận rộn với lượng caffeine ổn định. Số lượng cửa hàng cà phê trên cả nước là 83.363 vào cuối năm 2021, tăng 88,2% so với 4 năm trước đó, theo dữ liệu từ Cục Thuế Quốc gia. Ngay cả trước khi tăng đột biến, mỗi người trưởng thành ở Hàn Quốc đã tiêu thụ 353 tách cà phê/năm vào 2018, theo Viện nghiên cứu Hyundai.
Giao hàng qua đêm, từ đồ tươi sống đến dịch vụ giặt là, cũng rất phổ biến.
Trách nhiệm chăm sóc con cái cũng là một trong số nguyên nhân khiến nhiều người Hàn không ngủ đủ giấc. Ảnh: iStock. |
Hiện tượng nhiều người trì hoãn giấc ngủ được gọi là revenge bedtime procrastination (tạm dịch: trả thù bằng cách thức khuya). Đây là nhu cầu từ bỏ giấc ngủ do căng thẳng hoặc tận hưởng thời gian rảnh rỗi bị bỏ lỡ trước đó.
Thói quen này đẩy nhiều người vào tình trạng thiếu ngủ, khi số giờ họ cần nghỉ ngơi chênh lệch với những gì họ thực sự có. Một người có thể tích lũy khoản “nợ ngủ” chỉ bằng cách giảm vài phút ngủ cần thiết mỗi ngày.
Thiếu ngủ thường không được coi là điều tiêu cực ở Hàn Quốc. Trớ trêu thay, ngủ ít lại được coi là biểu hiện của năng suất hoặc sự siêng năng của nhiều người.
Quan điểm của các doanh nhân như Elon Musk, người coi giấc ngủ ngắn là điều đáng được vinh danh, khuyến khích nhiều người từ bỏ giấc ngủ với hy vọng đạt được mức độ thành công tương tự.
“Nếu chỉ ngủ 4 tiếng, bạn vượt qua kỳ thi. Nếu ngủ 5 tiếng, bạn sẽ thất bại”, Lee Hyun-woo, nhân viên văn phòng 27 tuổi, khắc sâu cụm từ này trong tâm trí kể từ khi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Đối với Lee, giảm thiểu thời gian ngủ thể hiện sự siêng năng và là điều bắt buộc để thành công trong xã hội cạnh tranh như Hàn Quốc. Đó dường như là cách tốt để dành thời gian cho các hoạt động khác “năng suất” hơn như học tập, làm việc hoặc giải trí.
Cần thay đổi nhận thức
Ngủ ít hơn 8 tiếng/đêm là điều chỉ một số ít người có gen đặc biệt mới có thể thích thú. Theo các nhà khoa học, bao gồm nhà thần kinh học Matthew Walker, thiếu ngủ có thể khiến con người có nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer, tim và trầm cảm cao hơn.
“Ngủ ít hơn một giờ so với nhu cầu có thể làm giảm 30% chức năng não cũng như năng suất. Nếu điều đó được quy đổi ra giá trị kinh tế, giấc ngủ có thể lên tới hàng nghìn tỷ won/năm”, Han Jin-kyu, bác sĩ tại phòng khám chuyên về giấc ngủ ở Seoul, cho biết.
Thói quen ngủ kém có thể gây tình trạng khó ngủ hơn. Theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia ở Hàn Quốc, khoảng 720.000 người gặp một số vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ vào năm ngoái, tăng từ 420.000 người vào năm 2014.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Giấc ngủ Hàn Quốc, trong bối cảnh ngày càng nhiều người tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ giấc ngủ như chăn ga gối đệm, dầu thơm hoặc ứng dụng, thị trường liên quan đến giấc ngủ của xứ sở kim chi đạt 3 nghìn tỷ won (2,5 tỷ USD) vào năm 2021, tăng vọt so với mức 480 tỷ won của một thập kỷ trước đó.
Tuy nhiên, trước khi tìm đến những biện pháp hỗ trợ này, người thiếu ngủ nên chú ý đến đồng hồ sinh học để xác định chính xác nguyên nhân gây ra vấn đề và tìm ra giải pháp tốt hơn.
Thói quen ngủ kém có thể gây tình trạng khó ngủ hơn cho nhiều người Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong cuốn sách mới nhất của mình, nhà thần kinh học người Anh Russell Foster chia sẻ tầm quan trọng của việc hiểu về nhịp sinh học của cơ thể.
Ví dụ, trong khi giúp cuộc sống của nhiều người dễ dàng hơn, việc thức khuya phải trả giá bằng thời gian ngủ và cuối cùng là sức khỏe tổng thể của họ.
Những người làm ca đêm được cho là có thể ngủ giấc dài tương tự vào ban ngày để bù đắp tình trạng thiếu ngủ, nhưng đây là ý tưởng nguy hiểm.
“Trong tất cả nghiên cứu đã được thực hiện, chúng tôi thấy rằng 97% cá nhân không thích nghi với nhu cầu làm việc vào ban đêm”, Russell nói.
Giám đốc của Sir Jules Thorn Sleep and Circadian Neuroscience Institute ở Oxford (Anh) cho biết: “Hiện đã có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nếu chúng ta bị gián đoạn giấc ngủ ồ ạt trong những năm giữa cuộc đời, nguy cơ mất trí nhớ sẽ tăng lên trong những năm sau này. Do đó, nó đặt ra một số vấn đề quan trọng về nghĩa vụ chăm sóc và những gì doanh nghiệp có thể làm để cải thiện tình trạng của người lao động làm ca đêm và giảm thiểu một số vấn đề mà họ phải đối mặt”, ông nói.
Thực tế, theo Russell, xã hội phớt lờ nghiên cứu khoa học về nhịp sinh học thể hiện sự lãng phí tài nguyên rất lớn và bỏ lỡ cơ hội để cải thiện sức khỏe ở mọi cấp độ.