Trên phố Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm), quán bánh mì mở đã 40 năm của chị Hoàng Thị Minh Phương có lượng khách chủ yếu là khách Tây, khách du lịch. Dịch bệnh khiến quán mất gần hết lượng khách chủ yếu. Do đó, tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa. "Ngày đắt hàng lắm bán được trăm cái, không thì mấy chục. Mở mắt ra là thấy tiền thuế phải đóng, căng lắm. Tôi chỉ sợ lỗ vốn thôi", chị Phương chia sẻ. |
Trước dịch, quán có 3 nhân viên nhưng hiện đã cắt giảm một người. Thông thường, 2 nhân viên sẽ bán một ca. Tuy nhiên, do giờ không có khách, mỗi nhân viên sẽ bán một ngày. Chủ quán cũng hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/ngày cho nhân viên và chỗ ở cho họ. Chia sẻ với Zing, Văn Thị Hương (quê Nghệ An), nhân viên của quán, cho biết mình đã kẹt ở Hà Nội từ đầu năm. "May mắn là được cô chủ giúp đỡ chứ giờ thuê trọ cũng chết. Quán vẫn mở, cũng có lương nên tôi cũng có đồng ra, đồng vào", Hương nói. |
Các nguyên liệu trong quầy bánh không được bà chủ bày đầy ắp như trước. Lý do là ít khách mua, bày nhiều ra đồ nhanh hỏng. Chủ quán cho biết có những hôm còn không gọi thêm nguyên liệu do ế. Đơn vị cung cấp bánh mì cũng khó khăn nên có khi gọi 10 cái lẻ, họ cũng chịu giao hàng. Đây là điều chưa từng có. |
Các quán truyền thống với lượng khách cố định như mì vằn thắn Đinh Liệt cũng ít nhiều bớt khó khăn hơn. Đại diện quán cho biết họ có lượng khách quen khá đông nên mở ra vẫn tạm ổn. |
Vào giờ ăn trưa, cứ khoảng 15 phút, quán lại có thêm 2-3 khách tới mua. Ngoài ra, do cũng liên kết với các ứng dụng giao hàng, lượng đơn cũng tăng thêm ít nhiều. Tuy nhiên, con số vẫn quá nhỏ so với thời điểm trước dịch. |
Trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm), quán Đông Thịnh cũng nổi tiếng là điểm ăn uống yêu thích của người mê lươn. Quán có tuổi đời khoảng 30 năm. Những ngày trước dịch, điểm gửi xe bên đường, đối diện quán hầu như đông nghẹt vào buổi trưa, cuối giờ chiều. Hiện tại, lượng bán ra mỗi ngày của quán cũng chưa được 20% ngày thường. |
"Dịch bệnh chưa hết hẳn. Người dân có thói quen ở nhà rồi. Có nhiều yếu tố khiến việc buôn bán lúc này trở nên khó khăn hơn. Nhà tôi là một trong những quán mở cửa sớm nhất khu này. Đấy là chưa kể lúc các hàng quán khác cũng mở lại, việc cạnh tranh cũng càng khó khăn hơn", anh Lê Hoàng Hà, chủ quán, trả lời Zing. |
Chủ quán cho biết các món quen thuộc trong thực đơn như miến lươn trộn, miến lươn nước... vẫn là mặt hàng chủ yếu. Tuy nhiên, thứ đem lại nguồn thu chính vẫn là lươn khô. "Bán 10 bát miến được khoảng 500.000 đồng. Tôi bán nửa cân lươn khô cũng được từng ấy. Chi phí bếp điện làm mấy món kia tốn kém lắm. Nhưng các món đấy tôi vẫn phải duy trì vì đấy là truyền thống, thương hiệu của nhà rồi. Nói thật, nếu chỉ kinh doanh mấy món kia, bán mang về chắc tôi lỗ vốn. Đóng cửa ở nhà nghỉ ngơi sướng hơn", anh cho biết. |
Quán cũng phải cắt giảm 10 nhân viên trong đợt dịch này. Theo chủ quán, trước dịch, anh cũng tính mở thêm cơ sở. Tuy nhiên, dịch bùng phát khiến kế hoạch này không thành. Anh mất trắng một tháng tiền cọc nhà nhưng vẫn cảm thấy may mắn do chưa sửa sang lại nên đỡ tốn chi phí. Sau khi dịch qua đi, chủ quán vẫn ấp ủ dự định mở thêm cơ sở nữa. |
Tại phố Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm), hàng phở Khôi từng đông nghẹt khách ngồi trên vỉa hè cũng thưa thớt người qua lại. Theo anh Lê Văn Việt, chủ quán, lượng khách hiện giờ chỉ được cỡ 25% so với trước dịch. |
"Chi phí cố định như tiền thuê nhà (khoảng 20 triệu đồng/tháng), lương nhân viên (thấp nhất 6 triệu đồng/người), tiền điện, nước vẫn phải đóng. Mở cửa ra là thấy lỗ. Bếp điện này cũng ngốn gấp 10 lần so với than đá truyền thống. Tuy nhiên, nó hiệu quả cao và an toàn với nhân viên cũng như khách hàng hơn", anh cho biết. |
Theo chủ quán, khách cũng ngại mua mang về do độ ngon không thể bằng so với ăn tại chỗ. Để đánh giá, anh cho biết chất lượng mua mang về có lẽ chỉ được khoảng 80%. Trong đợt dịch, quán không tăng giá nhưng tính thêm tiền hộp mang về. "Tôi nghĩ khách cũng không ngại chuyện thêm 5.000 đồng tiền hộp do quán có lượng khách quen lớn. Chất lượng thịt, phở vẫn được nhà tôi đảm bảo", anh Việt nói. |