Tối 13/6, thiếu tá Trần Ngọc Đoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, đơn vị này vừa khám phá một chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức mua xe qua mạng.
Chủ mưu của vụ án là Phạm Tiến Mạnh (32 tuổi, ở quận 8). Giúp sức cho anh ta là Hạp Đức Bắc (46 tuổi, ở quận Tân Phú)
Theo cơ quan điều tra, Mạnh ra các tiệm cầm đồ mua lại các chứng minh nhân dân của người khác rồi dán ảnh của mình vào. Sau đó anh ta đến các ngân hàng mở tài khoản mang các tên Nguyễn Trường Nhị, Lê Hải Bằng, Nguyễn Văn Cư từ chứng minh anh ta mua được.
Sau đó, Mạnh lên một trang mua bán trực tuyến lập tài khoản với nội dung "thầy Nguyễn Trường Nhị, giảng viên trường ĐH Kinh tế (TP HCM) cần bán xe tay ga giá rẻ". Ngày 8/3, Nguyễn Quốc Hùng (28 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) đọc được tin Mạnh rao bán xe tay ga giá 24 triệu đồng.
Thấy rẻ nên Hùng gọi điện cho Mạnh hỏi mua. Sau khi trao đổi giá cả “chủ xe” đồng ý bán xe với giá 20 triệu đồng.
Bắc và Mạnh đang bị công an bắt giữ. Ảnh: Khánh Trung. |
Sau đó, Mạnh cho Hùng số điện thoại của Hoàng mà theo như anh ta nói người này đang làm ở Phòng giao dịch ở 552A-552B Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, Bình Thạnh). Mạnh dặn người mua cứ đến địa chỉ trên gọi điện cho Hoàng để gặp giao tiền, nhận xe.
Tuy nhiên, lúc Hùng gọi điện cho Hoàng thì anh ta nói, anh ta đang bận họp có gì cứ chuyển tiền vào tài khoản của anh ta đi rồi sẽ có người giao xe.
Tin theo lời chỉ dẫn của Hoàng, người mua đã chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản 060 113 779 724 nhưng mãi không nhận được xe, gọi điện vào các số vừa liên lạc trước đó thấy khóa máy, Hùng biết bị lừa nên đến công an trình báo.
Nhận được trình báo, không để các nạn nhân khác bị lừa, ngày 12/4, Công an Bình Thạnh khởi tố vụ án phong tỏa tài khoản mà anh Hùng đã chuyển tiền.
Xác minh số tài khoản mang tên Nguyễn Trường Nhị (ở Kiên Giang), cảnh sát thấy có 23 người đã chuyển tiền mua xe. Liên lạc với những người trên, công an ghi nhận thêm 12 người nhận là nạn nhân từng chuyển tiền nhưng bị lừa. Đến nơi cư trú của người mang tên Nhị (ở Kiên Giang) để xác minh, cảnh sát ghi nhận thông tin trước đó, anh này có lên TP HCM làm công nhân và làm mất chứng minh nhân dân.
Cảnh sát đã lấy chữ viết của anh Nhị để so sánh với ngân hàng thì không khớp với chữ viết của người đã mở tài khoản.
Trong khi công an đang điều tra vụ án thì anh Nguyễn Hồng Phúc (ngụ Đồng Nai) đến công an trình báo cũng bị "thầy Nhị giảng viên ĐH Kinh tế TP HCM" lừa bán chiếc xe SHi giá 20 triệu. Cũng bằng thủ đoạn như vụ trên, nạn nhân đã chuyển tiền vào tài khoản mang tên Lê Hải Bằng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền không thấy người này giao xe.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra xác định người rút tiền là Mạnh. Đồng thời các trinh sát xác định kẻ giả giọng nói của Hoàng chính là Bắc, đồng bọn của Mạnh.
Công an Bình Thạnh lập chuyên án xác minh, theo dõi. Sau một thời gian theo dõi đến chiều 10/6 công an phát hiện 2 nghi phạm hẹn nhau ở đường Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân) nên triệu tập về trụ sở công an.
Tại cơ quan điều tra, 2 nghi phạm đã thừa nhận hành vi phạm tội. Mạnh khai từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM nhưng không đi làm mà lên mạng dùng thủ đoạn trên để lừa đảo. Sau mỗi phi vụ lừa đảo bán xe thành công, Mạnh chia cho Bắc 30% tổng số lừa được. Trước đó, năm 2010, anh ta cũng có tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khám xét người và nơi ở của 2 nghi can, cảnh sát thu được rất nhiều sim rác, thẻ tài khoản ngân hàng trùng với tên các nạn nhân đã chuyển tiền.
Để tránh sập bẫy của những kẻ lừa đảo, đại úy Nguyễn Viết Phương, Đội phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, khuyến cáo người mua đừng để kẻ xấu lợi dụng đánh vào tâm lý ham rẻ. Hơn nữa, khi mua bán giao dịch nhất thiết phải biết mặt, đặc điểm nhận dạng, lý lịch của người bán. Để lừa đảo thành công, các nghi can trên còn lợi dụng kẻ hở của các ngân hàng là không phân biệt được chứng minh giả nên cho phép chúng mở tài khoản nhận tiền.