Nạn nhân trong vụ nổ pháo nghiêm trọng ở Tây Ninh. Ảnh: BVCC. |
Những ngày cận Tết, số ca nhập viện vì tai nạn do pháo nổ đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại, nhiều vụ chế tạo pháo trái phép xuất phát từ tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện của thanh thiếu niên, học sinh. Không ít trường hợp còn chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả nghiêm trọng, cả về pháp lý lẫn sức khỏe, từ hành vi nguy hiểm này.
Nguyên liệu chế tạo pháo thường được mua bán, trao đổi tràn lan trên các trang mạng xã hội, tạo điều kiện cho những hành động vi phạm pháp luật trở nên dễ dàng hơn.
Các vụ tai nạn không chỉ để lại hậu quả đau lòng cho cá nhân liên quan mà còn là lời cảnh tỉnh cho xã hội về mức độ nguy hiểm của pháo tự chế.
Nhiều người bị thương nặng
Ngày 23/12, người dân tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh hoảng hốt khi nghe tiếng nổ lớn phát ra từ nhà ông P.P.Đ. Khi chạy đến kiểm tra, họ phát hiện một nhóm thiếu niên gồm 6 người bị thương, chủ yếu là bỏng. Các nạn nhân lập tức được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), 3 trong số 6 bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng nghiêm trọng. Nhóm này có độ tuổi từ 15-17 tuổi. Khoa Cấp cứu đã kích hoạt báo động đỏ, tiến hành nội soi phế quản cấp cứu, hồi sức tích cực và phối hợp với các khoa chuyên môn như Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiết niệu, Nội phổi, Phỏng - Phẫu thuật tạo hình để kịp thời điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Khoa, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, cho biết sau khi thực hiện các bước kiểm tra và chẩn đoán lâm sàng cho thấy bệnh nhân P.P.D., 15 tuổi, bị bỏng thuốc pháo 35% - độ 2 toàn thân và K.V.P., 17 tuổi, bỏng 31% - độ 2,3 toàn thân.
Bệnh nhân nặng nhất trong vụ nổ pháo tự chế ở Tây Ninh được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC. |
Hai bệnh nhân bị bỏng nặng do pháo tự chế đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả hai được bù dịch, dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Trong thời gian tới, các bác sĩ dự kiến tiến hành phẫu thuật để cắt lọc vùng hoại tử và ghép da cho họ.
Bệnh nhân T.T.N. (17 tuổi) là trường hợp nặng nhất, được chẩn đoán bỏng thuốc pháo 50% - độ 2,3 toàn thân. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị dập nát tinh hoàn phải, lóc gần hết vùng da dương vật và đa chấn thương tứ chi. Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã phải phẫu thuật khẩn cấp ngay trong đêm để cầm máu, cắt bỏ tinh hoàn và lấy sạch dị vật từ pháo nổ. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã tương đối khả quan nhưng vẫn cần theo dõi sát để đánh giá diễn tiến sức khỏe.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân 12 tuổi bị đa chấn thương nghiêm trọng do chế tạo pháo. Người này bị dập nát bàn tay trái, bỏng 20% toàn thân và tổn thương cả hai giác mạc. Sau 3 giờ phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ phải cắt lọc nhiều vết thương ở tay, đùi, ngực và bụng. Bàn tay trái của bệnh nhân không thể giữ được do dập nát quá nghiêm trọng và đã bị cắt cụt. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của người bệnh ổn định.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng ghi nhận hai trường hợp trẻ em bị bỏng do pháo nổ.
Bé trai Đ.S.R. (12 tuổi) nhập viện với nhiều vết thương nham nhở ở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái. Một trường hợp khác là bé A.T.V. (12 tuổi, ngụ Gia Lai), bị bỏng độ 2 trên 35% diện tích cơ thể. Bé có nhiều vết thương ở mặt, ngực, cẳng tay, đùi và cẳng chân hai bên.
Những tai nạn thương tâm này là lời cảnh báo mạnh mẽ về mức độ nguy hiểm của việc chế tạo và sử dụng pháo tự chế, đặc biệt khi Tết đang đến gần.
Tất cả liên quan pháo tự chế
Trong vòng một tháng, các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy và Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận gần chục trường hợp đa chấn thương nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế. Nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình 12-16 tuổi.
Theo ThS.BS Trần Phước Bình, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, các tai nạn do pháo nổ thường để lại những vết thương điểm sâu, cháy xém toàn thân. Đặc biệt, các vùng tiếp xúc gần với vụ nổ, như bàn tay, thường bị dập nát nghiêm trọng.
"Nhiều bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã phải cắt cụt bàn tay, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển sau này", bác sĩ Bình chia sẻ.
Bác sĩ Bình cảnh báo thanh thiếu niên không nên vì tò mò hay ham vui mà tự điều chế hoặc sử dụng pháo nổ. Đồng thời, ông nhấn mạnh vai trò của gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, giáo dục trẻ em, nhằm ngăn chặn những hậu quả đau lòng.
Những vụ việc liên tiếp là hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa từ pháo tự chế, đặc biệt khi Tết đang đến gần.
Một bệnh nhân bỏng toàn thân do tự chế tạo pháo. Ảnh: BVCC. |
Khi xảy ra tai nạn do pháo nổ, người xung quanh cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, tiến hành băng bó sơ bộ và đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hồng Phúc, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ không sử dụng vật liệu gây nổ hoặc tự ý trộn các hóa chất để chế tạo pháo.
Ông đặc biệt lưu ý các bậc phụ huynh nên chú trọng giáo dục trẻ trong độ tuổi tò mò, thích tìm hiểu, khám phá, giúp các em hiểu rõ mức độ nguy hiểm của pháo nổ như nguy cơ gây cháy, thương tích, tàn tật và thậm chí tử vong.
"Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca tai nạn nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ, đặc biệt là trẻ em. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức về hiểm họa từ pháo, nhất là trong thời gian cận Tết", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Những lời khuyến cáo này không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn đau lòng mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.