Theo dự kiến phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể đăng ký xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường.
Cụ thể, trường dành 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM và 15-20% để xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6, đạt IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng L&R 785, S 160 & W 150) trở lên.
ĐH Kinh tế Quốc dân quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo mức tương ứng từ 10 đến 15 điểm. Bảng quy đổi như sau:
ĐH Ngoại thương đưa ra phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level. Trường cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hai phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0 trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tới 30% chỉ tiêu của ngành.
Năm nay, ĐH Thủy lợi dự kiến xét tuyển thẳng thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt loại khá và có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 trở lên.
Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, những em có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển tài năng vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý theo hình thức xét tuyển kết quả, thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của trường).
ĐH Bách khoa TP.HCM thông tin đối xét tuyển tổ hợp có môn Tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 được quy đổi thành 10 điểm, IELTS 5.5 được quy đổi thành 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm môn này. Trong khi đó, chứng chỉ TOEFL iBT 79 được quy đổi thành 10 điểm. Mức thấp nhất là TOEFL iBT 46-47 tương ứng 8 điểm.
Với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, nhà trường quy định thí sinh dự tuyển phải đạt điều kiện tiếng Anh tối thiểu IELTS 4.5 hoặc tương đương. Nếu không, thí sinh phải vượt qua kỳ thi sơ tuyển tiếng Anh của trường.
Tại ĐH Kinh tế TP.HCM, ở phương thức xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài cần có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên hay SAT mỗi phần tối thiểu 500 điểm, ACT từ 20 điểm trở lên.
Bên cạnh những trường đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến, một số trường khác cũng dự định xét tuyển căn cứ một phần vào điểm thi IELTS.
Trong đó, tại ĐH Giao thông Vận tải, PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, cho biết năm nay, ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng, xét kết quả thi Đánh giá tư duy, trường còn xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Thăng Long sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức, một trong số đó là xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Không chỉ khối kinh tế, kỹ thuật, ở khối y dược, chứng chỉ IELTS hay TOEFL cũng trở thành lợi thế.
Tại ĐH Y Dược TP.HCM, thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, vào ngành Điều dưỡng nếu IELTS 5.0 trở lên…
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành chỉ tiêu nhất định để xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.