Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dự báo bức tranh giáo dục năm 2022

TS Giáp Văn Dương nhận định một số tháng đầu năm 2022, học sinh ở nhiều nơi còn học online, sau đó các em sẽ đến trường.

Mong hoc that - thi that som tro thanh su that anh 1

TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Times School, dự đoán trong nửa đầu năm 2022, học sinh nhiều nơi vẫn phải học trực tuyến. Nhưng bước sang năm học 2022-2023, các em sẽ được đến trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng phụ thuộc nhiều vào chủ trương, cách thức và thực tế chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông đánh giá kỳ thi sẽ thuận lợi hơn so với năm 2021.

Chia sẻ với Zing về bức tranh giáo dục năm 2022, TS Giáp Văn Dương mong muốn năm nay, tinh thần học, thi thật trở thành sự thật.

Mong hoc that - thi that som tro thanh su that anh 2

Nhiều học sinh phải học online từ đầu tháng 9/2021 và có thể tiếp tục hình thức học này đến hết năm học. Ảnh minh họa: T.M.

Mong thầy trò sớm được trở lại trường

- Năm 2021, câu chuyện dạy học online nhận được sự quan tâm của xã hội với cả mặt tốt lẫn chưa được. Năm 2022, theo ông, tình hình dạy học trực tuyến sẽ như thế nào?

- Theo tôi, triển khai dạy và học trực tuyến năm 2020-2021 là sự kiện lớn với giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, mấy chục triệu học sinh học tập theo đúng niên khóa mà không phải đến trường. Sự kiện này tạo ra cả mặt tiêu cực và tích cực.

Mặt tiêu cực đầu tiên và dễ thấy nhất là chất lượng giáo dục và tâm lý học sinh bị ảnh hưởng. Khi đến trường, học sinh không chỉ học kiến thức, mà còn phát triển kỹ năng mềm và phát triển bản thân thông qua tương tác trực tiếp giữa người và người, với muôn vàn tình huống khác nhau diễn ra trong nhà trường. Sự tương tác trực tiếp này là điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của học sinh, vì bên cạnh con người cá nhân, tất cả chúng ta còn là con người xã hội.

Những ảnh hưởng này đặc biệt nghiêm trọng với học sinh bậc tiểu học, khi tâm lý của các em chưa sẵn sàng và cơ thể còn chưa phát triển đủ để phù hợp hình thức ngồi học trực tuyến trước máy tính trong thời gian dài. Với các gia đình khó khăn về kinh tế, các con phải học qua điện thoại, ảnh hưởng còn lớn hơn nữa.

Nhưng bên cạnh mặt tiêu cực đó, dạy và học trực tuyến cũng có mặt tích cực riêng. Lần đầu tiên, giáo dục được triển khai theo hình thức khác hoàn toàn so với trước đây. Đó là một lựa chọn khác, hoàn toàn mới so với giáo dục truyền thống.

Dù ở vào thế bắt buộc phải thực hiện, về mặt nguyên tắc, 2 lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn chỉ có một lựa chọn. Đây thực sự là cuộc chuyển đổi số, cũng là điểm tích cực đáng kể nhất của hình thức dạy học trực tuyến.

Ngoài ra, việc triển khai dạy học online cũng đã đồng loạt nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên, kỹ năng sử dụng các học liệu số cho học sinh. Đây là phần công việc rất lớn, nếu không có dạy học trực tuyến ở quy mô trên toàn quốc, không biết để bao giờ mới thực hiện được.

Sang năm 2022, việc dạy và học trực tuyến nhiều khả năng tiếp tục ở một số địa phương, trong khoảng một vài tháng, có thể đến tận mùa hè nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Đến nay, chúng ta đều không chắc chắn đến khi nào, dịch được khống chế hoàn toàn. Nhưng với tỷ lệ tiêm vaccine khá cao ở thời điểm hiện thời, đặc biệt là tâm lý người dân đã sẵn sàng đối mặt và chấp nhận sự tồn tại của dịch Covid-19 như bình thường mới, không còn hoảng loạn như một năm trước, việc trở lại trường của học sinh sẽ sớm trở thành hiện thực.

Vì lẽ đó, tôi dự đoán từ nay đến mùa hè, một số địa phương và một phần học sinh của các khối lớp nhỏ chưa được tiêm vaccine vẫn phải học trực tuyến. Nhưng đến mùa thu, khi năm học mới bắt đầu, các em sẽ được trở lại trường để học trực tiếp.

Đến lúc đó, rất có thể, một số giáo viên và học sinh lại nhớ hình thức dạy học trực tuyến hiện nay. Hy vọng khi đó, những điểm tích cực của giáo dục trực tuyến, như kỹ năng sử dụng các học liệu số, đặc biệt là tư duy chuyển đổi số trong giáo dục, tiếp tục phát huy tác dụng.

- Như vậy, theo ông, sang năm 2022, những bất cập của dạy học trực tuyến có thể được khắc phục không?

- Bất cập lớn nhất của dạy học trực tuyến là sự hạn chế trong tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Chỉ khi được gặp nhau tại trường lớp, học tập và vui chơi cùng nhau, tương tác mới phong phú, gần hơn với đời sống thật.

Ngoài ra, thời gian ngồi trước máy tính quá lâu cũng không phù hợp học sinh nhỏ tuổi. Đây là hạn chế rất khó để khắc phục nếu chương trình học không được giảm tải và cấu trúc lại.

Tuy nhiên, do đã quen với dạy học trực tuyến, kỹ năng dạy và học của thầy trò đã được cải thiện. Quan trọng hơn, tâm lý của thầy trò cũng sẵn sàng hơn trước rất nhiều.

Tôi hy vọng năm 2022, thầy trò sẽ sớm được trở lại trường.

Mong hoc that - thi that som tro thanh su that anh 3

TS Giáp Văn Dương đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thuận lợi hơn. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thuận lợi hơn

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là sự kiện lớn của giáo dục năm 2022. Gần cuối năm, kỳ thi lại nhận được sự quan tâm lớn khi vấn đề bất thường trong đề thi môn Sinh học nổi lên. Ông dự đoán câu chuyện thi cử năm nay như thế nào? Bộ GD&ĐT cần lưu ý những điểm gì để kỳ thi thực sự khách quan, công bằng, tạo được sự tin tưởng trong dư luận?

- Hiện giờ còn quá sớm để nói kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào. Lý do là việc tổ chức thi cử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương, cách thức và thực tế chống dịch Covid-19 vào mùa hè này.

Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đã hiểu hơn dịch Covid-19 rất nhiều. Tâm lý xã hội cũng không còn căng thẳng như trước. Vì thế, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tôi cho là sẽ thuận lợi hơn năm 2021.

Riêng việc tổ chức một kỳ thi khách quan, công bằng, trên báo cáo, bao nhiêu năm nay, chúng ta đều đạt được những điều này. Nhưng những người theo sát các diễn biến giáo dục đều biết rằng một kỳ thi như thế vẫn là mong ước xa vời.

Bằng chứng là tiêu cực trong thi cử một vài năm gần đây đã bị công luận phát hiện, xử lý. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Quy mô thực sự của những tiêu cực trong thi cử, tôi nghĩ lớn hơn những gì đã bị phát hiện rất nhiều.

Vậy làm thế nào để tổ chức được một kỳ thi như thế? Trong ngắn hạn, là khi Bộ GD&ĐT thực sự muốn và nghiêm khắc triển khai các giải pháp đảm bảo cho kỳ thi được khách quan, trung thực. Còn về dài hạn, việc tổ chức một kỳ thi như thế phải được tiến hành bởi cơ quan khảo thí độc lập mới có thể khách quan, trung thực được.

- Với câu chuyện tuyển sinh, một số trường đại học tổ chức kỳ thi riêng hoặc đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Ông dự đoán bức tranh tuyển sinh đại học sẽ ra sao?

- Đây là xu thế hiển nhiên, vì hiện nay, các trường phải cạnh tranh nhau để tuyển sinh. Vì thế, họ rất chủ động trong việc tìm ra, triển khai các phương thức tuyển sinh của riêng mình. Với các trường hoạt động theo cơ chế tự chủ đại học, các đại học ngoài công lập, sự chủ động này còn mạnh mẽ hơn nữa. Đó là điều tốt, cần khuyến khích.

Trên thực tế, việc các trường tự tổ chức tuyển sinh cho mình không phải điều mới mẻ. Các trường đã làm điều này từ hàng chục năm trước đây rồi. Chỉ từ khi có kỳ thi 3 chung, nó mới bị đình lại.

Nay do cạnh tranh trong tuyển sinh, việc này được khôi phục trở lại phần nào. Đó là tín hiệu tốt, vì trên thực tế, tuyển sinh đại học là việc của các trường, nên để các trường làm. Chưa kể, tính chất của kỳ thi tuyển sinh đại học cũng khác hoàn toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT.

- Vấn đề học thật, thi thật được nhấn mạnh rất nhiều trong năm 2021. Liệu năm 2022, tinh thần này có tạo ra sự biến chuyển tích cực cho nền giáo dục?

- Học thật - thi thật lẽ ra phải là chuyện đương nhiên. Vì nếu không, không lẽ chúng ta cứ mãi học giả, thi giả? Như vậy quá tốn kém nguồn lực, mà chẳng để làm gì, ngoài một thành tích ảo để báo cáo.

Nhưng tiếc là trong một thời gian quá dài, do chạy theo thành tích ảo, hệ thống giáo dục đã đánh mất sự đương nhiên này. Vì thế, học thật - thi thật đã trở thành chủ đề nóng của năm 2021.

Tuy nhiên, ngay khi năm học bắt đầu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn học sinh phải học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Với hình thức học này, đảm bảo học thật, thi thật khó hơn rất nhiều so với việc học trực tiếp. Việc tổng kết cũng chưa có. Vì lẽ đó, chúng ta không thực sự biết những thảo luận và đòi hỏi về học thật - thi thật trong năm 2021 đã tác động đến chất lượng giáo dục ở mức nào.

Sang năm 2022, tôi mong muốn tinh thần học thật – thi thật phải trở thành sự thật đương nhiên. Vì nếu không, học và thi chỉ là để đối phó. Đó là một sự lãng phí khổng lồ của xã hội. Đó cũng không phải là giáo dục mà đích thị là một sự tàn phá đến tận gốc rễ các giá trị đạo đức và nền tảng phát triển.

Vậy xin chúc cho tất cả chúng ta, sang năm 2022, đều được học thật - thi thật - sống thật như sự thật đương nhiên, chứ không phải một khẩu hiệu hay mục tiêu để hướng tới.

- Cảm ơn ông!

Nguyễn Sương thực hiện

Bạn có thể quan tâm