Tại Olympic Tokyo 2020, tuyển thể dục dụng cụ nữ từ Đức chọn mặc đồ thi đấu liền thân thay vì trang phục leotard trông giống đồ bơi một mảnh như thường lệ nhằm phản đối tình dục hóa nữ giới trong môn thể thao này.
Ngoài những cô gái từ Đức, các vận động viên nữ của đội bóng ném bãi biển nữ Na Uy cũng gặp phải nhiều rắc rối do mặc quần đùi thay vì bikini bắt buộc.
Các cô gái của tuyển thể dục dụng cụ Đức mặc bộ trang phục kín đáo tại Olympic nhằm phản đối tình dục hóa phụ nữ. Ảnh: Time. |
Ngày 27/7, Simone Biles, gương mặt đại diện cho tuyển thể dục dụng cụ nữ Mỹ, tuyên bố rút lui ở hầu hết sự kiện thuộc khuôn khổ thế vận hội để tập trung phục hồi sức khỏe tinh thần.
Những hành động kể trên thể hiện thái độ phản đối từ các nữ VĐV Olympic với nạn phân biệt giới tính, tình dục hóa phụ nữ trong thể thao. Thay vì giữ im lặng, họ quyết định hành động để chống lại vấn nạn này.
"Đây là thời khắc chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của các VĐV. Những người thiếu tôn trọng họ cần bị chỉ trích", Jaime Schultz, giáo sư nghiên cứu về giới, giới tính và tình dục trong các môn thể thao dành cho nữ tại ĐH Bang Pennsylvania (Mỹ), nói với VICE.
"Thể thao như xã hội thu nhỏ"
Việc các VĐV nữ từ chối hành xử, thi đấu theo cách công chúng trông đợi khiến họ đi ngược lại quan điểm xã hội về đạo đức.
Trước tuyên bố rút lui của VĐV Simone Biles, phóng viên người Anh Piers Morgan từng bình luận trên Daily Mail rằng: "Bạn không chỉ thi đấu vì chính mình, Simone". Một bài viết đăng ở tờ Federalist có tiêu đề: "Xin lỗi, Simone Biles. Olympic không phải về bạn, mà là chiến thắng cho nước Mỹ".
Theo đó, nhiều ý kiến cảm thấy khó tin, thậm chí phẫn nộ khi một người phụ nữ từ bỏ sức lao động cá nhân và khẳng định tầm quan trọng của mình, ngay cả khi đó là VĐV từng nhiều lần nhận HCV Olympic.
Simone Biles bị chỉ trích khi tuyên bố rút lui khỏi hầu hết sự kiện tại Olympic 2020 để tập trung phục hồi sức khỏe tâm lý. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ Simone Biles, nhiều nữ VĐV khác cũng lên tiếng chống lại tình trạng bất bình đẳng giới trong thể thao.
Tháng trước, nhà vô địch Paralympic Olivia Breen chia sẻ nỗi thất vọng trên Twitter cá nhân vì một quan chức Giải Vô địch Anh nói rằng quần đùi của cô ấy "quá ngắn và không phù hợp".
Trước khi Olympic Tokyo 2020 khai mạc, VĐV điền kinh Brianna McNeal từng bị cấm chơi thể thao trong 5 năm sau khi bỏ lỡ một cuộc kiểm tra ma túy. McNeal khẳng định cô không hề biết các nhân viên kiểm tra doping tới nhà vì phải nằm yên trên giường, phục hồi sức khỏe sau khi phá thai.
Buộc phải công khai câu chuyện đời tư gây tranh cãi để chứng minh mình trong sạch, McNeal bị tổn thương nghiêm trọng. "Tôi cảm thấy bị kỳ thị, gạt khỏi môn thể thao mình theo đuổi, thật không công bằng", cô trả lời New York Times.
Trong khi đó, một nam VĐV điền kinh vẫn giành được suất tham gia thi đấu cho nước Mỹ, dù từng đối mặt với ít nhất 3 cáo buộc quấy rối tình dục.
Akilah Carter-Francisque, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Thể thao, Xã hội và Thay đổi xã hội, cho biết phái nam có xu hướng dễ được tha thứ hơn so với nữ giới trong thể thao, đặc biệt nếu đó là người da trắng.
"Thể thao giống như mô hình xã hội thu nhỏ. Càng cách xa tiêu chuẩn da trắng, nam giới, dị tính, địa vị xã hội cao thì sự phân biệt đối xử càng xảy ra phổ biến hơn", cô nói.
Làn sóng phản đối tiêu chuẩn kép
Carter-Francisque nói thêm rằng giờ đây, các VĐV nữ sẵn sàng lên tiếng chống lại tình trạng này. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy làn sóng phản đối mạnh mẽ trên chính là phong trào #MeToo.
Giáo sư Jaime Schultz cũng cho rằng bê bối lạm dụng tình dục ít nhất 265 phụ nữ và trẻ em gái của Larry Nassar, bác sĩ của đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ, cũng khiến phụ nữ trong thể thao có thêm động lực lên tiếng.
"Tôi hy vọng rằng câu chuyện đó sẽ trở thành tiền lệ. Khi VĐV lên tiếng về một vấn đề sai trái, ngược với quan điểm xã hội, nó cần được lắng nghe và xem xét", Schultz nói.
Các nữ VĐV Olympic mạnh mẽ lên tiếng chống lại tình trạng phân biệt giới, tình dục hóa phụ nữ trong thể thao nhờ ảnh hưởng từ phong trào #MeToo. Ảnh: AFP. |
Trước hành động phản kháng từ các nữ VĐV Olympic, hầu hết công chúng bày tỏ ủng hộ họ. Ca sĩ Pink đề nghị trả tiền phạt cho tuyển bóng ném nữ Na Uy; ngôi sao Taylor Swift ca ngợi sự trở lại của Simone Biles tại thế vận hội và tôn trọng quyết định ưu tiên sức khỏe tinh thần của cô.
"Tình yêu và sự ủng hộ từ khán giả khiến tôi nhận ra mình thực sự được tin tưởng", Biles giãi bày trên Twitter cá nhân.
Anne Blaschke, giảng viên khoa Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Massachusetts (Mỹ), cho biết điều này thể hiện rằng người dân xứ cờ hoa đang dần thay đổi nhận thức về quyền của trẻ em gái và phụ nữ.
"Họ dần hiểu rằng trong thể thao, các VĐV cũng chịu nhiều áp lực về thể chất và tinh thần. Với các VĐV, tôi nghĩ rằng mạng xã hội đã giúp họ thể hiện bản thân nhiều hơn, mạnh mẽ hơn thế hệ trước".
Song, làn sóng đấu tranh của các VĐV nữ gặp nhiều thách thức, đặc biệt khi truyền thông vẫn thường lặp lại định kiến: "Gia đình, tình yêu mới là giải thưởng đích thực với nữ giới".
Gần đây, tờ USA Today đăng tải bài viết về trận đấu của nữ kiếm thủ người Argentina Belén Pérez Maurice với tiêu đề: "Một kiếm thủ thua trận tại Olympic 2020. Bạn trai vẽ tặng cô ấy một con mèo và cầu hôn".
Theo đó, truyền thông mô tả rằng "chiến thắng thực sự" mà Pérez Maurice giành được là tình yêu, thay vì nói về quá trình thi đấu của cô tại thế vận hội.
"Các VĐV nữ luôn sống với những lời đánh giá như quá gợi cảm, quá nam tính; cần thể hiện nhiều hơn, bớt quan tâm chuyện đời; nói về sức khỏe tinh thần hay giữ kín mọi thứ cho riêng mình", Schultz nói.